Bất chấp thông báo tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 3/5 vừa qua, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ internet vì lợi nhuận đã vẫn tiếp tục hoạt động “chui”.

Đột nhập

“Chú mi ở mô? Học sinh hay sinh viên? Trường mô? Không thấy thông báo đóng quán à? Sao còn tới làm chi?”. Với một loạt câu hỏi dồn dập, chủ quán hầu như đã “nghía” chúng tôi từ đầu đến chân và cảm thấy an toàn nên kéo tuột cả hai đứa vào rồi khép cửa lại như cũ… Hỏi vậy mà không phải vậy, khi chúng tôi trong vai “tín đồ game” sà tới đã được chủ quán một tiệm internet trên đường Hồ Đắc Di dò hỏi trước khi cho vào. Trong quán, cũng đã trên chục người… Được biết, những ngày này các quán đều “sát hạch” như vậy, nếu như khách trả lời “ổn” thì nhân viên mở cửa cho vào, còn cảm thấy nghi ngờ sẽ từ chối, khăng khăng bảo quán hiện không hoạt động.

N.N.V, sinh viên trường đại học K., người đi cùng tôi vốn là một tín đồ của các quán net, nghỉ học do dịch nên V. đã tìm đến các quán net “chui”. V. cho biết: Các quán net hiện nhìn vào đều đang “cửa đóng, then gài” như không hoạt động, tuy nhiên nếu bỏ công quan sát sẽ thấy nhiều quán vẫn có người đi ra đi vào. Dễ thấy là số xe nhiều hay ít; nhiều chủ quán đem xe của khách đi gửi hàng xóm hoặc để chia ra, có quán dắt xe của khách vào trong rồi đóng cửa, có quán bảo là người dân để nhờ. “Có lần mình đi qua tiệm Q. đường Trần Phú, cổng thì đóng kín bưng mà nghe tiếng người chơi game to tiếng trên tầng 2 nên vào hỏi, quả nhiên quán đang hoạt động “chui”. ”

Tránh bị phát hiện, các quán hiện đều nhận ít khách, có quán chỉ mở vài máy cho khách quen sử dụng, người này về thì báo cho người khác lên chơi. Thời gian hoạt động cũng có phần giảm, chỉ nhận khách từ 7 giờ sáng đến 17 giờ.

Biết sai, nhưng…

V. và các bạn của anh đều biết dịch bệnh ở các tỉnh đang rất nóng, nguy hiểm là có thật. Họ đều nghĩ, “Huế mình làm tốt công tác phòng chống dịch nên sẽ không chi”. Nghỉ học, nhà trọ chật, nóng, quá rảnh rỗi nên nhu cầu đến quán net của học sinh - sinh viên tưởng như rất dễ thông cảm, lại là đối tượng được các quán điện tử “tin tưởng” nên biết sai nhưng nhiều người vẫn không kìm được… Họ thường để lại số liên lạc nên quán gọi là…tìm cách đến, chơi vài giờ… Khách quen thì không nói làm gì, với khách lạ một số quán sẽ dò hỏi thông tin rồi mới cho vào. Như quán A (đường Phan Bội Châu), chỉ cần nói có người quen đang chơi bên trong, hay gọi trực tiếp cho người quen ra đón là vào được.

“Ban đầu, khi được bạn bè chỉ cho mấy quán net “chui”  mình cảm thấy khá háo hức. Cái cảm giác thoát khỏi phòng trọ nóng bức lại được thoải mái chơi chứ không bị áp lực bài vở… thì vui lắm. Các quán khác mình không biết chứ quán A. mình chơi vẫn lấy giá như ngày thường, chỉ hạn chế người chơi cùng thời gian. Thậm chí cảm giác bạn bè phải nhịn chơi, mình thì thoải mái “chiến” game khiến mình phấn khích lắm.

Rất may, chơi game một cách lén lút như thế được vài bữa thì V. đã ngưng hẳn vì cảm thấy hành động của mình là vô trách nhiệm với gia đình, bản thân và xã hội, anh còn chịu khó cùng chúng tôi đến một số địa chỉ net “chui” thám thính. Đó cũng là một điều may mắn khi V. đã tự dứt mình ra khỏi cám dỗ.

Có cầu thì có cung, hay nói ngược lại, có cung nên có… người phạm luật. Từ chủ quán đến người chơi đều cho rằng, “Tỉnh mình làm tốt, vấn đề chưa nghiêm trọng lắm đâu” mà không biết đang đùa với sự an toàn của chính mình và cộng đồng.

Phạm Châu