Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành du lịch

Hiệu quả bước đầu

Nếu nói chuyển đổi số đã giúp xoay chuyển được cục diện du lịch tỉnh nhà như kỳ vọng là chưa, bởi chuyển đổi số dù đã có những bước chuyển mình, nhưng chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu, tập trung vào một số lĩnh vực, chưa phủ khắp các lĩnh vực của du lịch.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch, chuyển đổi số chỉ thật sự tác động sâu rộng đến du lịch khi có hệ sinh thái dựa vào chuyển đổi số. Các chủ thể, gồm điểm đến, doanh nghiệp, dịch vụ, tài nguyên du lịch… cùng đồng hành, hợp lực tạo ra một môi trường thống nhất. Đặc biệt là sự sẵn sàng, hợp tác của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Đây là các đối tác chính, đồng hành với Nhà nước, giúp các chiến lược, kế hoạch được cụ thể thông qua sản phẩm, số hóa cơ sở dữ liệu.

Cụ thể hơn, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia phân tích, chuyển đổi số đã được đề cập, nhiều đơn vị, địa phương, điểm đến cùng thực hiện, chỉ là cách làm như thế nào để đạt hiệu quả mong muốn. Cũng giống như mọi lĩnh vực, thu hút được các nhà đầu tư, kết hợp giữa công và tư sẽ là yếu tố quyết định giúp Huế chuyển đổi số đúng hướng, nhanh và bền vững. Bên cạnh số hóa dữ liệu, Huế đang cần một nền tảng kết nối các đơn vị cung ứng các dịch vụ cao nhất; khách hàng sử dụng có kết nối tốt, thuận lợi trong truy cập, truy xuất thông tin. Trên nền tảng đó, xây dựng những mô hình kinh doanh mới hoàn toàn, đúng với tinh thần chuyển đổi số.

Ngày càng có nhiều nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ đầu tư vào lĩnh vực du lịch

Xã hội hóa ở lĩnh vực du lịch nói chung, chuyển đổi số nói riêng đã và đang đang được ngành du lịch thực hiện, đóng vai trò quyết định trong kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh nhà. Lãnh đạo Sở Du lịch nhấn mạnh, nếu không tạo ra được nguyên tắc “win – win” (đôi bên cùng có lợi) sẽ thật khó để Huế thu hút được nhà đầu tư. Xã hội hóa chỉ thành công khi Nhà nước đạt được kế hoạch và doanh nghiệp có lợi nhuận từ việc kinh doanh. Do đó, bên cạnh những cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, làm sao đó để các doanh nghiệp khi tạo ra sản phẩm có thể thu một phần phí ở trên các nền tảng, hoặc được khách hàng trả kinh phí khi sử dụng dịch vụ.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, trên thực tế, hợp tác công – tư ở lĩnh vực chuyển đổi số khó hơn so với các dịch vụ khác, vì số lượng các nhà đầu tư về công nghệ ít. Dù khó khăn, song những mô hình, sản phẩm thực tế ảo, thuyết minh tự động tại các điểm di tích, xe đạp thông minh, số hóa di sản, vé điện tử, thẻ du lịch thông minh… là những thành tựu bước đầu trong quá trình thay đổi tư duy quản lý, tìm kiếm thêm giải pháp tiếp cận với nhiều khách hàng, cũng như thay đổi cách xây dựng sản phẩm du lịch thông minh.

Hướng đến hiệu quả lâu dài

Một tín hiệu khả quan của quá trình chuyển đổi số của Huế là nhiều sản phẩm, dịch vụ đã và tiếp tục được hình thành mới. Công ty Vietsoftpro triển khai dự án xe đạp chia sẻ đầu tư sản phẩm du lịch trải nghiệm thông minh ở làng cổ Phước Tích. Thời gian đến là khai thác sản phẩm trải nghiệm thông minh về đêm trên sông Hương và dịch vụ thực tế ảo mới ở di tích Hổ Quyền. Hay như Tập đoàn Thiên Minh vừa mới ra mắt ứng dụng di động kết nối các nhà cung cấp dịch vụ du lịch với các đại lý kinh doanh phân phối sản phẩm du lịch trong và ngoài nước - ứng dụng Plutos Agent. Plutos Agent là ứng dụng di động hỗ trợ các đại lý kinh doanh du lịch nhỏ lẻ, tiếp cận nguồn sản phẩm dịch vụ du lịch phong phú với giá cả minh bạch cùng các ưu đãi hấp dẫn.

Đại diện Tập đoàn Thiên Minh cho rằng, ứng dụng như là giải pháp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của ngành du lịch, giúp khắc phục những yếu điểm hiện tại trong cách thức kết nối và vận hành giữa nhà cung cấp dịch vụ và các khách hàng, đại lý. Quan trọng là, ứng dụng này đặt trụ sở tại Huế. Để hướng đến tính hiệu quả, ứng dụng đã ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Du lịch tỉnh để cùng phát triển.

Theo đại diện Hiệp hội Du lịch, ký kết hợp tác là điều kiện cần, quan trọng là những nền tảng, dịch vụ mới được tạo ra phải cho thấy sự tối ưu hơn những nền tảng đã có trước đó. Chẳng hạn như ứng dụng Plutos Agent phải cho thấy những tiện ích có thể so sánh với Agoda, Traveloka, Booking… Quá trình hợp tác cho thấy sự hiệu quả, cộng với đó là nền tảng mang lại sự phát triển cho ngành du lịch Huế khi đặt trụ sở tại Cố đô, sự ủng hộ, chung tay của doanh nghiệp là cực kỳ lớn.

Ông Hoàng Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Vietsoftpro phân tích, tạo ra sản phẩm du lịch thông minh là quá trình mà doanh nghiệp đi tiên phong, nhưng để nuôi sống và sản phẩm tự vận hành được, sau thí điểm thì cần có những cơ chế tiếp theo. Du lịch là sự kết hợp nhiều lĩnh vực khác nhau văn hóa, bảo tồn và công nghệ chỉ là công cụ truyền đi thông điệp. Ba bên “Nhà nước - doanh nghiệp - lữ hành” cần có một chiến lược về tài chính, phối hợp hoạt động để sản phẩm tự nuôi sống, phát triển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, tỉnh đang nỗ lực để có những chiến lược, cơ chế thu hút tốt hơn các nhà đầu tư về lĩnh vực chuyển đổi số; trong đó, tập trung đầu tư đảm bảo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch, phát triển các ứng dụng kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý từ Trung ương đến cơ sở. Cùng với đó là các cơ chế phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp, người dân phải hiệu quả, thông suốt nhất khi vận hành.

Bài, ảnh: QUANG SANG