Theo cách mà tôi nghĩ, thì cái đẹp hoàn toàn dựa vào cảm quan của mỗi người và điều đó còn phụ thuộc vào ý thích, sự hiểu biết, môi trường xung quanh và trạng thái sống của cá thể nhận thức. Trong một góc nhìn nhỏ hơn, cảm nhận về cái đẹp trong mỹ thuật đôi khi mang tính hàn lâm rõ nét, nhưng nhìn trong sự phổ quát, nó thường đơn thuần bắt đầu từ việc (nhìn) quen dần, đến việc cảm thấy sự hợp lý khi treo/đặt một bức tranh vào một vị trí nào đó trong không gian sống. Có lẽ, với việc được truyền thông “ngầm”, người ta bắt đầu để ý đến điều này hơn. Ý “ngầm” mà tôi muốn đề cập ở đây là thông qua các không gian trong phim ảnh, thông qua việc giới thiệu các không gian sống trên các kênh truyền hình, báo mạng, hay những cuốn tạp chí chuyên đề về kiến trúc và nội thất mà người ta lần đầu lướt qua, rồi sau đó trở lại. Có khi là một sự bắt gặp, nhưng cũng có khi là sự đánh thức hay thẩm thấu của tư duy thẩm mỹ. Dần dà, là một sự thay đổi trong các không gian sống nhỏ hơn, phổ quát hơn ở gia đình.

Nếu chịu khó quan sát, chúng ta có thể nhận thấy rõ nét sự chuyển động này.

Tôi vẫn còn nhớ người bạn là họa sĩ đã kể về sự ngạc nhiên khi khách mua tranh ở gallery của anh không phải là khách du lịch mà là một người anh biết, sống cùng thành phố. Đó là chuyện của hai mươi năm trở về trước. Giờ anh sáng tác tại nhà, nhưng tác phẩm của anh, ngoài việc đóng gói gửi đi các nơi qua đặt hàng trên mạng, đã bắt đầu được người địa phương đến gõ cửa chọn mua, hoặc đặt vẽ. Một người bạn khác của tôi có lần cũng kể về việc dành gần nguyên cả buổi sáng dạo các gallery trong thành phố để chọn mua một bức cho phòng khách nhà mình. Bạn tôi cũng kể, tài chính có hạn nhưng vẫn muốn có thêm tranh trên tường, anh chị chấp nhận chọn tranh chép, với giá dễ chịu hơn. Đây cũng là điều được nhiều gia đình lựa chọn. Cũng không ít gia đình chọn ảnh phong cảnh phóng khổ to, đóng khung rồi treo để làm sinh động không gian sống. 

Nếu để ý, sẽ thấy người đến thưởng lãm các cuộc khai mạc triển lãm tranh/ảnh nghệ thuật đã bắt đầu nhiều hơn. Tại các cuộc triển lãm này đã bắt đầu có sự lựa chọn và sở hữu thông qua những chiếc nơ đỏ xuất hiện ở một góc tác phẩm.

Trong khi người lớn thường tự mình tìm hiểu, những người trẻ, và hay nhất là trẻ em bây giờ cũng đã bắt đầu được giảng dạy nhiều kiến thức mở khác, trong đó có mỹ thuật. Sự đánh thức này đương nhiên là tốt đối với trẻ có năng khiếu, nhưng tốt hơn còn ở chỗ, trẻ - thông qua các bài học của mình, bắt đầu có kiến thức hơn về thể nào là vẽ tả thực, thế nào là ký họa, thế nào là tranh lụa, tranh sơn dầu, sơn mài hay những kiến thức nền về màu và sự phối hợp giữa chúng… Đây chắc chắn là sự chuẩn bị tốt về giáo dục thẩm mỹ nói chung mỹ thuật nói riêng cho các thế hệ tương lai.

Tất nhiên không phải ai cũng thích hay để ý nhưng quả thật, những bức tranh trên tường – dù đẹp hay chưa đẹp với người này hay người khác – cũng đã cho thấy những thay đổi trong đời sống thẩm mỹ xã hội.

AN MI