Vớt rác trên sông, trên biển giúp hạn chế rác nhựa gây nguy hại môi trường
Ở bất cứ nơi đâu có rác, đập vào mắt chúng ta trước nhất vẫn là bao bì ni lông, vỏ nhựa, miếng xốp... và chúng chiếm một lượng “ưu thế” nhất. Làm xấu mỹ quan và đáng lo ngại, những loại rác nhựa này được ví là “kẻ giết chết môi trường thầm lặng”.
Mỗi ngày, lượng rác thải sinh hoạt trên toàn tỉnh phát sinh khoảng 630-650 tấn; trong đó, nếu ước chừng lượng rác nhựa chỉ chiếm khoảng 10%, thì tương đương khoảng 65 tấn/ngày. Hầu như tất cả đều không được tái chế và đang xả trực tiếp ra môi trường hoặc chôn lấp.
Theo các nhà khoa học, thời gian để rác thải nhựa phân hủy trong điều kiện tự nhiên từ vài chục năm như túi ni lông, cho đến vài trăm năm hoặc 1.000 năm, như bỉm em bé, dụng cụ ăn bằng nhựa, thậm chí có loại tồn tại vĩnh viễn mà không bao giờ phân hủy như chai nhựa...
Do được làm từ nguyên liệu không thân thiện môi trường và một số có chứa chất độc hại, rác thải nhựa đang tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Chúng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây hại cho sinh vật, làm ô nhiễm đất đai, nguồn nước, chuỗi thức ăn, không khí và sâu xa hơn là gây thiệt hại về kinh tế và du lịch.
Theo Liên Hiệp quốc, Việt Nam xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi hộ gia đình thường thải ra khoảng vài chiếc túi ni lông mỗi ngày. Riêng tại các thành phố lớn, trung bình một ngày thải ra môi trường trên dưới 100 tấn rác nhựa và túi ni lông.
Tại Thừa Thiên Huế, con số này chiếm khoảng 65 tấn/ngày và không ngừng tăng lên khi việc phân loại, tái chế, tái sử dụng chưa được triển khai rộng khắp cũng như phong trào tiết giảm, “nói không với sản phẩm nhựa, túi ni lông sử dụng một lần” vẫn còn bị người dân xem nhẹ, phớt lờ.
UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn. Nhiệm vụ là tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những địa phương có thành tích dẫn đầu trong công tác giảm thiểu rác thải nhựa xả thải ra môi trường.
Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện đề án “Ngày Chủ nhật xanh” với mục tiêu “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh, sạch và sáng”. Bên cạnh đó, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tái chế rác thải nhựa cũng như hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường... góp phần rất quan trọng vào công cuộc ngăn chặn rác thải nhựa.
Trong các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Vì môi trường (từ ngày 1-30/6) năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đặc biệt nhấn mạnh đến công tác chống rác thải nhựa, kêu gọi mọi người nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần... để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang ở mức báo động.
Chỉ cần mỗi cá nhân, cộng đồng tẩy chay các loại ống hút hay dụng cụ ăn, uống bằng nhựa, tham gia dọn rác tại bãi biển, trong đại dương, lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường... sẽ tác động đến các nhà sản xuất, doanh nghiệp cùng thay đổi theo hướng tích cực để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng văn minh và có trách nhiệm; đồng thời giảm thiểu rác thải nhựa thải ra môi trường.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN