Cầu Trường Tiền từng có tên cầu Clémenceau

Nhịp cầu lưu dấu bao lớp người ta, tây, đủ mọi màu da, thành phần xã hội, thực sự góp phần làm cho xứ Kinh kỳ chuyển mình kịp thời đại, kết tinh bao giá trị độc đáo suốt chiều dài lịch sử. Dù hồ sơ dự thầu của La Société de Levallois-Perret (hậu thân của Công ty Eiffel) bị loại, Société Schneider et Cie et Letellier trúng thầu nhưng dấu ấn Eiffel lại rất đậm nét trong đợt tu sửa về sau, góp phần làm nên hồn cốt thiêng liêng mà gần gũi của danh xưng cầu Trường Tiền cho đến hiện nay.

Từ đầu thời Thành Thái (tháng 10/Kỷ Sửu - 1889), hai chính phủ Pháp - Nam triều chính thức bắt đầu đánh thuế chợ, đò ở phủ Thừa Thiên từ văn bản đề nghị làm thí điểm của Khâm sứ Hector, đáng chú ý ở các chợ An Cựu, Bao Vinh, An Vân và đặc biệt là hai bến đò Trường Tiền và Bao Vinh, theo phương thức đấu giá, để bổ sung kinh phí sửa chữa cầu đường, phục vụ sứ mệnh canh tân xứ sở. Đầu năm Canh Dần (1890), bến đò Trường Tiền là nơi giao thương thuận lợi nhờ vị trí đặc biệt của Trường Tiền và Bảo hoá Kinh cục (xưởng đúc tiền thời Nguyễn), nên triều đình cho dời chợ Đông Gia từ Đông Môn qua gần khu vực bến đò Trường Tiền cho tiện lợi.

Trước tiên, cần chú ý tính thử nghiệm của những cây cầu sắt, thay thế vật liệu gỗ, để được kiên cố bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng, như cầu sắt Đông Ba (tháng 9/Nhâm Thìn - 1892) và cầu sắt An Cựu (tháng 7/Ất Mùi - 1895).

Đến tháng 9/Bính Thân (1896), vua Thành Thái ban dụ xây cầu sắt bắc qua sông Hương, nhấn mạnh: “Chính trị nhân đức không gì quan trọng bằng gia ơn cho dân. Gần đây, phàm tiến hành làm các cầu đường là để tiện cho dân vậy. Nay theo lời Cơ Mật viện tâu nói phía trước sông Hương là quan lộ, nghĩ nên làm một chiếc cầu sắt để tiện thông hành, có điều phí tổn rất lớn nên phải chờ tính toán trù biện”.

Dù tên gọi nào cầu Trường Tiền vẫn mang trong mình cốt cách, tâm hồn Huế

 

Do quy mô và tính chất hệ trọng của công trình, phải đến tháng 4/Đinh Dậu (1897), hai phía Pháp - Nam mới có cuộc hội thương quyết định nhân dịp Toàn quyền P.Doumer tới Huế. Triều đình Huế trích giao 190.000 đồng cho phía Pháp nhận làm, số còn thiếu do Pháp đảm nhận và Bộ Công chuẩn bị những vật liệu cần dùng. Đến tháng 9 thì họp hội đồng đấu giá để thực hiện. Tháng 4/Mậu Tuất (1898), cho mở rộng cầu với phí tổn khoảng 500.000 đồng, do phía Pháp tài trợ. Đến tháng 10, nhà vua ngự giá lên cầu làm lễ đặt đá (thiết thạch lễ) và tháng 10/Canh Tý (1900), lễ khánh thành được tổ chức, có quan Toàn quyền P. Doumer tới dự.

Theo chương trình và thông số kỹ thuật cho việc đấu thầu xây dựng cầu sắt bắc qua sông Huế thì hồ sơ thầu được chấp nhận ngày 26/5/1897. Một Ủy ban đặc biệt được thành lập để thẩm định các hồ sơ dự thầu, bao gồm Khâm sứ Trung kỳ (Chủ tịch), Giám đốc Sở Công chánh Trung kỳ và Bắc kỳ - thành viên, Kỹ sư trưởng Sở Công chánh Trung kỳ - thành viên, Đại úy pháo binh phụ trách đồn Huế - thành viên và Kỹ sư phó ở tòa Công sứ Thừa Thiên - Thư ký. Ủy ban nhóm họp tại Huế ngày 15/10/1897, và sẽ phải quyết định càng sớm càng tốt về các dự án đã trình bày, để báo lên Toàn quyền quyết định (Nghị định số 884, ngày 31/8/1897, Công báo Đông Dương, số 9/1897, tr. 1337-1338). Sau đó (27/9/1897), Cơ Mật viện đại thần Nguyễn Thân được bổ sung làm Phó Ủy ban đặc biệt này để xét duyệt các hồ sơ dự thầu xây dựng cầu Trường Tiền.

Bản báo cáo của Ủy ban đặc biệt này đã khẳng định, Dự án của Société Schneider et Cie et Letellier được chấp nhận (đại diện là kỹ sư Dessoliers ở Hà Nội). Kết quả này đã được Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn dự án xây dựng cầu sắt trên sông Huế, với ngân khoản 723.826fr.50. Theo đó, số tiền chi trả trong năm 1898 là không quá 300.000 franc, với các khoản cụ thể như trên khoản tín dụng 40.000franc đã nhập - bằng ngân sách của Bảo hộ Trung kỳ và Bắc kỳ, tài khóa 1898; khoản tín dụng bổ sung sẽ được mở cho lệnh kiểm toán ngân sách sau khi thanh toán bởi Chính phủ Nam triều cho Chính phủ Bảo hộ (Nghị định số 1204, ngày 5/11/1897, Công báo Đông Dương, số 11/1897, tr. 1592-1593).

Hãng Schneider et Cie et Letellier trúng thầu thì đồng thời, có nhiều hồ sơ bị loại, cũng được phân bổ tiền thưởng. Theo đó, phân bổ ngoài dự án đã được phê duyệt đối với việc xây dựng cây cầu này, một khoản kinh phí cho các dự án tham gia đấu thầu, từ ngày 15/10/1897 (chi trả trong năm 1898), cụ thể là Compagnie Fives-Lille 2.000franc, La Société de Levallois-Perret 2.000franc (là công ty kế thừa của Eiffel), La Société des Ponts et Travaux en fer 2.000franc, La Société Dayé et Pillé 1.000franc. Các tác giả với đồ án được trao giải thưởng, sản phẩm sẽ thuộc quyền sở hữu của chính quyền bảo hộ (Nghị định số 1205, ngày 5/11/1897, Công báo Đông Dương, số 11/1897, tr. 1593-1594).

Từ đầu, cây cầu được định danh Thành Thái để ghi dấu công trình đặc biệt trong sự nghiệp canh tân của ngài và từ ngày 14/7/1919, đổi tên thành cầu Clémenceau (một Thủ tướng Pháp), nhân dịp Quốc khánh (Công báo Trung kỳ, 1919, tr.682-683). Tuy nhiên, suốt chiều dài lịch sử, tận tâm thức Huế, danh xưng cầu Trường Tiền vẫn hiện hữu xuyên suốt cho tới ngày nay, trở thành biểu trưng của xứ Huế. Đặc biệt, dù công ty hậu thân của tập đoàn Eiffel không trúng thầu xây dựng nhưng dấu ấn tài hoa đặc biệt của họ lại hiện hữu đậm nét trong đợt tu sửa lớn về sau, định hình nên dáng vẻ, màu sắc và giá trị đặc trưng, hòa mình với đất trời xứ Huế xuyên thời gian.

Trần Đình Hằng

(Còn nữa)

(Bài 2: Hòa mình vào núi Ngự sông Hương)