EuroCham ủng hộ mục tiêu tiêm chủng cho 75% dân số của Chính phủ Việt Nam. Ảnh minh hoạ: moh.gov.vn

Để đạt được mục tiêu đó, giới lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đang kêu gọi chính phủ khai thác sức mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân, cho phép các công ty này chủ động mua vaccine ngừa COVID-19 và tự tiêm chủng cho nhân viên của họ, giữa bối cảnh đất nước đang chống chọi với đợt bùng phát dịch lớn nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Theo EuroCham, điều này sẽ “làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời giúp thúc đẩy quá trình tiêm chủng của chính phủ”.

Sau khi ngăn chặn thành công đại dịch COVID-19 trong phần lớn năm 2020, Việt Nam hiện đang đối phó với một đợt bùng phát mới lây lan nhanh hơn, khiến hơn 3.200 người mắc COVID-19 tại 30 trên 63 tỉnh thành cả nước chỉ trong 1 tháng qua.

Các thành viên EuroCham cũng kêu gọi Chính phủ Việt Nam nới lỏng các quy định kiểm dịch đối với các nhà đầu tư và chuyên gia đã được tiêm phòng tại nước sở tại. Trong khi đó, dữ liệu của EuroCham/YouGov cho thấy, chiến dịch truyền thông của Việt Nam về các vấn đề thị thực và biên giới đã thành công rực rỡ, với 81% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu hiểu rõ các quy định.

Bình luận về vấn đề này, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho rằng, Việt Nam là “một trong những nước đi đầu trên thế giới trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19”. Việc đóng cửa biên giới nhanh chóng, các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và phong toả địa phương có người nhiễm bệnh đã giữ cho sự lây nhiễm ở mức thấp và cho phép các hoạt động kinh doanh trong nước tiếp tục. 

“Việt Nam đã thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu về phòng chống COVID-19. Thách thức hiện nay là kết hợp thành công đó với một chương trình tiêm chủng đại trà đầy tham vọng và được đẩy nhanh. Nếu đạt được điều này, chắc chắn Việt Nam sẽ phục hồi. Điều này cũng sẽ giúp đáp ứng hai mục tiêu của chính phủ là bảo vệ người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", Chủ tịch EuroCham nói thêm.

Trong khi đó, Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner cho biết, tiến độ tiêm phòng ở Đức có ý nghĩa quyết định đối với sự phục hồi kinh tế. Do đó, Đức khuyến khích và hỗ trợ các đối tác như Việt Nam làm bất cứ điều gì có thể để đẩy nhanh hơn nữa các chương trình tiêm chủng. Đó là lý do tại sao Đức tích cực nỗ lực cho sáng kiến ​​COVAX. Chương trình COVAX, với Đức là nhà tài trợ lớn thứ hai, hiện đã chuyển giao 2,49 triệu liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam.

Đầu tuần này, Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tiếp cận bình đẳng với chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.​

Trong cuộc họp báo ngày 27/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rằng, Việt Nam đang chuẩn bị một bộ quy định mới về kiểm dịch và cách ly "phù hợp và hiệu quả" đối với những người nhập cảnh vào nước này. Cùng ngày, Chính phủ cũng đã phê duyệt một quỹ đặc biệt để thúc đẩy chương trình tiêm chủng quốc gia, theo đó có thể kêu gọi sự đóng góp từ các tổ chức và cá nhân cho hoạt động của quỹ.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp và lược dịch từ Eurocham & Reuters)