Biến đổi khí hậu gây ra nhiều tác động đến các quốc gia trên toàn thế giới, đòi hỏi có hành động khẩn cấp để đối phó. Ảnh minh họa: The Optimist/VTV.vn

Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới về biến đổi khí hậu vào năm 2020, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 1,2oC so với mức tiền công nghiệp (mức cơ bản trong giai đoạn 1850 – 1900).

Năm 2020 có thể là một trong 3 năm ấm nhất được ghi nhận trên toàn cầu. Ngoài ra, giai đoạn 6 năm từ 2015 – 2020 được nhận định là thời điểm ấm nhất được ghi nhận. Vào năm 2019, nồng độ Carbon Dioxide đạt kỷ lục 410 phần triệu (ppm), cao hơn mức 270 – 280ppm trong thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu vẫn đang diễn biến phức tạp, các khu vực ở Đông Nam Á đã trải qua lũ lụt nghiêm trọng trong tháng 10 – 11/2020. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là miền Trung Việt Nam. Thêm vào đó, lũ lụt cũng hoành hành ở phía Tây Campuchia. Cùng lúc, hạn hán nghiêm trọng lại ảnh hưởng đến nhiều khu vực, gây nên một số vụ cháy rừng trên khắp Tây Mỹ và Đông Australia vào năm 2020.

Trước tình hình này, các nước đều đang nỗ lực đối phó với diễn biến phức tạp của khí hậu. Đơn cử, để đáp lại những nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết biến đổi khí hậu, Hàn Quốc đã công bố các kế hoạch đầy tham vọng nhằm đạt được mục tiêu trung hòa Carbon vào năm 2050. Thông qua Thỏa thuận Xanh mới được công bố vào năm 2020, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư 62 tỷ USD cùng nhiều dự án ngắn và dài hạn giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19. Một số kế hoạch của Hàn Quốc có thể kể đến là chuyển đổi các ngành công nghiệp sử dụng nhiều Carbon của đất nước thành một hệ thống Carbon thấp và thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng không hóa thạch như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện.

Theo kế hoạch, Hàn Quốc sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) lần thứ hai vào ngày 30-31/5, với chủ đề “Phục hồi xanh toàn diện hướng tới trung hòa Carbon”. Hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy các giải pháp trên 5 lĩnh vực chính bao gồm thực phẩm, nước, năng lượng, hệ thống các thành phố và kinh tế tuần hoàn. Các mục tiêu này có mối quan hệ chặt chẽ đối với Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc (SDGs), đồng thời cũng là những yếu tố quan trọng trong ứng phó toàn cầu đối với biến đổi khí hậu.

Theo nhận định của các chuyên gia, hội nghị P4G Seoul sẽ tạo động lực cho các cuộc thảo luận về những vấn đề quan trọng khi các nước chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) sẽ tổ chức tại Glasgow (Anh) vào tháng 11 năm nay. Hội nghị P4G Seoul được kỳ vọng sẽ thu hút sự tham gia của cả khu vực công, tư vào đầu tư cho các giải pháp chuyển đổi, cung cấp một nền tảng toàn cầu quan trọng cho tất cả các bên, nhằm tạo điều kiện cho các hành động tập thể cần thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng.

Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)