Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong một bài phát biểu của mình. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN/Vietnam+

Biến đổi khí hậu là một mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng toàn cầu, với những nguy cơ có thể nhận thấy từ năng suất cây trồng giảm, xuất hiện nhiều hơn các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt tàn phá các nền kinh tế du lịch, làm bùng phát dịch bệnh và các thảm họa khác làm suy giảm năng suất.

Chủ trì hội nghị P4G lần này, Hàn Quốc gần đây đã công bố kế hoạch cắt giảm tài chính cho các dự án than quốc tế. Đồng thời, nước này cũng đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn trong sáng kiến xanh toàn cầu.

“Hàn Quốc sẽ có trách nhiệm với tư cách như một quốc gia cầu nối giữa các nước đang phát triển và các quốc gia tiên tiến”, Hãng tin CNA dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong phát biểu tại phiên khai mạc.

Được biết, phiên hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày lần này là sự kiện diễn ra lần thứ hai sau cuộc họp được tổ chức tại Copenhagen vào năm 2018, trong đó tập trung vào mối quan hệ đối tác công, tư, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Trong những tháng gần đây, các quốc gia tiên tiến đã đặt ra mục tiêu cắt giảm khí thải đầy tham vọng, cũng như hướng đến mục tiêu cuối cùng là trung hòa Carbon vào năm 2050.

Cụ thể, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các nước loại bỏ dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, cảnh báo biến đổi khí hậu đang đe dọa cuộc sống người dân và nền kinh tế nghiêm trọng như tác động gây nên bởi đại dịch COVID-19.

Đầu tháng này, Đức đã thắt chặt các mục tiêu giảm lượng khí thải CO2 - bao gồm cắt giảm 65% lượng khí thải vào năm 2030, sau một phán quyết mang tính bước ngoặt của tòa án hàng đầu nước này tuyên bố luật bảo vệ khí hậu hiện tại hiện “vẫn chưa đủ”.

Về phía Anh, Thủ tướng Boris Johnson cho biết các nước hiện vẫn phải thực hiện các cam kết xanh của họ.

“Đây là một khởi đầu tuyệt vời, nhưng chúng ta đừng tự cao vì con người và hành tinh chúng ta cần nhiều hơn thế. Chúng ta cần những chính phủ không chỉ đưa ra những lời hứa về khí hậu và thiên nhiên, mà còn phải kết hợp chúng với hành động”, Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh.

Trong một thông tin có liên quan, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết tuân theo Thỏa thuận Paris 2015 để giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2oC và lý tưởng là chỉ tăng gần 1,5oC vào năm 2050.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia có lượng phát thải lớn nhất cho đến nay đã không thực hiện đúng cam kết của họ và các quốc gia thậm chí đã không nhất trí về một quy tắc chung, trong đó có thống nhất quản lý cách thức hoạt động của các nội dung thuộc hiệp định Paris trên thực tế sẽ như thế nào.

Liên Hiệp Quốc cho biết, lượng khí thải phải giảm gần 8% hàng năm để giữ mức nhiệt tăng dưới 1,5oC, tức tương đương với việc cho đến năm 2030, mỗi năm đều phải duy trì lượng khí thải giảm được như trong kỳ đại dịch COVID-19.

Các nhà lãnh đạo thế giới cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng các quốc gia nghèo hơn sẽ không bị bỏ rơi trong sáng kiến toàn cầu về hành động xanh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, các quốc gia châu Phi không nên bị “nhốt” trong nhiên liệu hóa thạch và hoàn toàn có thể tiến lên với phần còn lại của thế giới. Đồng thời ông cũng kêu gọi tìm cách thu hút các khoản đầu tư quy mô lớn vào năng lượng tái tạo.

“Đó sẽ không phải là quan hệ đối tác toàn cầu nếu một số các quốc gia vẫn đang phải vật lộn để tồn tại. Đối phó trực tiếp với biến đổi khí hậu sẽ giúp bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất khỏi cuộc khủng hoảng tiếp theo, cùng lúc phục hồi cơ hội việc làm từ sau đại dịch”, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, có thể sẽ có từ 31 triệu cho đến 132 triệu người có thể rơi vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2030 do tác động của biến đổi khí hậu.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)