Các em nhỏ ở trung tâm bảo trợ trẻ em bảo ban nhau học tập trong những ngày nghỉ hè

Không để trẻ bị thiệt thòi 

Mọi năm, Yến Nhi và những bạn nhỏ ở Làng trẻ em SOS Huế ngóng nhất là ngày Quốc tế Thiếu Nhi 1/6 vì được thỏa sức vui chơi, ca hát, ăn bánh kẹo và nhận quà. Năm nay, do tình hình dịch căng thẳng, nên không chỉ các em ở Làng trẻ em SOS Huế mà nhiều bạn ở những cơ sở bảo trợ xã hội khác chỉ vui đón ngày này trong không khí “nội bộ”, nhưng vẫn có quà từ các nhà hảo tâm gửi đến. Tạm đón một dịp lễ thiếu nhi yên ắng, các em hy vọng những ngày lễ sắp tới như Tết Trung thu, kỳ nghỉ hè, Tết Nguyên đán... lại có cơ hội được vui chơi, giao lưu và tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi trí tuệ, sáng tạo...

Hằng năm, vào dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tháng hành động Vì trẻ em (1-30/6), các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức mạnh thường quân trao tặng hàng ngàn suất học bổng và phần quà ý nghĩa, cùng với những hoạt động vui chơi, giao lưu. Trong đó, đối tượng được quan tâm hơn là các trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật, trẻ em bị bệnh phải điều trị dài ngày, trẻ em các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Đỗ Lê Phương Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết, mặc dù năm nay một số hoạt động dành cho trẻ em bị “cắt” hoặc rút gọn do thực hiện giải pháp phòng chống dịch COVID-19, nhưng đơn vị vẫn luôn kết nối, vận động các nguồn hỗ trợ để duy trì chương trình, hoạt động tặng quà, học bổng cho các em.

Năm 2021, trung tâm duy trì ký kết hợp tác thường niên với tổ chức Zhishan Foundation nhận hỗ trợ hơn 3,7 tỷ đồng thực hiện dự án hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó có các hoạt động: trao học bổng dài hạn cho trên 600 em học sinh vượt khó mỗi năm; hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em ở một số trường mầm non vùng xa; hỗ trợ nuôi dưỡng thường xuyên cho trên 100 trẻ em tại cơ sở trợ giúp trẻ em chùa Đức Sơn. Ngoài ra, trung tâm tiếp tục kết nối, huy động xây dựng thêm các sân chơi rèn luyện thể chất tại các trường tiểu học, THCS; phát triển thêm thư viện thân thiện và hỗ trợ nhiều đầu sách cho các trường.

Ngoài ra, còn có nhiều chương trình, đề án, dự án với nguồn kinh phí lớn từ ngân sách Nhà nước, nguồn hỗ trợ của các tổ chức trong, ngoài nước, tổ chức phi chính phủ và những đơn vị, cá nhân hảo tâm... hướng về các em và dành những điều kiện vật chất, tinh thần tốt nhất để cung cấp các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em ngày càng tốt hơn, đáp ứng các quyền lợi của trẻ và yêu cầu phát triển của xã hội.

Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ

Toàn tỉnh hiện có khoảng 293.500 trẻ em (dưới 16 tuổi) và 31.000 trẻ vị thành niên (từ 16 đến dưới 18 tuổi). Trong đó, số trẻ em thuộc 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khoảng 4.285 trẻ và gần 10.395 em thuộc gia đình hộ nghèo, nhóm có nguy cơ nghỉ học, phải lao động sớm.

Những năm gần đây, công tác bảo vệ trẻ em luôn được các cấp, các ngành và địa phương chăm lo, nhất là chú trọng phòng ngừa các nguy cơ xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ. Những mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em được địa phương quan tâm thực hiện. Trong đó có các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng được triển khai ở Phú Diên (Phú Vang), Phong Sơn (Phong Điền), Phú Hậu, Hương Sơ (TP. Huế), Hồng Thượng (A Lưới)... Hay mô hình câu lạc bộ (CLB) trẻ em, như: CLB bóng đá, kỹ năng sống, tuyên truyền măng non, âm nhạc... được thành lập tại các địa phương, cơ sở bảo trợ xã hội và trong trường học. Qua tham gia sinh hoạt giúp các em rèn luyện, trải nghiệm, thể hiện tài năng, năng khiếu và thu thập kỹ năng sống, trang bị những kiến thức cơ bản để biết tự bảo vệ mình và yêu thương, giúp đỡ mọi người.

Các lớp dạy bơi miễn phí giúp phòng tránh đuối nước cũng được tổ chức với hàng ngàn trẻ em tham gia. Tại các trung tâm bảo trợ xã hội, khu tái định cư và một số trường học đã thành lập 31 CLB bóng đá và một số bộ môn thể thao dành cho trẻ đặc biệt với 1.180 em tham gia hưởng lợi. Trên 90 điểm vui chơi từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã dành cho trẻ em, khoảng 210 trường mẫu giáo có sân chơi, được lắp đặt thiết bị vui chơi ngoài trời và mới đây có thêm 2 sân chơi rèn luyện thể chất được đưa vào sử dụng tại 2 trường tiểu học ở TX. Hương Trà càng làm phong phú, đa dạng, hiện đại hoá điểm vui chơi, vận động cho trẻ.

Nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ em luôn được toàn xã hội quan tâm, tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện thông qua việc tiếp cận ngày càng nhiều các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức văn hoá, thể thao và tham gia vào các diễn đàn của trẻ em. Diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” được cấp huyện, cấp tỉnh tổ chức là cơ hội để các em nói lên chính kiến, mong muốn có những không gian, môi trường sống, vui chơi, học tập an toàn, lành mạnh từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội; được trang bị kỹ năng toàn diện để có thể tự bảo vệ mình trước những nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bị dụ dỗ, lôi kéo làm điều xấu trên môi trường mạng...

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG