Huế vào hạ cũng đã hơn một tháng rồi, thời gian này những năm trước mà về biển Thuận An thì đông vui lắm. Bây giờ thì hàng quán đóng cửa, im ắng. Tiếng của lão ngư trầm trầm: “Dịch bệnh nguy hiểm quá cháu ơi, bãi biển Thuận An ngừng đón khách để phòng chống dịch bệnh. Bây giờ, ai cũng tự giác chấp hành các qui định, phải lo bảo vệ gia đình mình và xã hội nữa chơ”. Có lẽ bắt gặp ánh nhìn lo lắng của tôi muốn biết về sinh kế của bà con làng biển, ông nở một nụ cười bình tâm, “bà con mình thì cũng làm lụng qua ngày thôi cháu, khó khăn thì khó khăn chung, mình gắng giữ gìn sức khỏe cho qua cái dịch ni đã rồi mọi chuyện cũng dần sắp xếp được”.
Hai bác cháu đi dạo trên biển. Mặt trời chiều rót những tia nắng cuối ngày nhuộm vàng bờ cát uốn cong cong như chiếc eo thon của thiếu nữ. Gió bạt ngàn đưa từng lớp sóng vỗ vào bờ, hình như sóng cũng buồn vì thiếu người chơi cùng. Bác ngư dân kể cho tôi nghe bà con trong làng Thuận An vẫn đi biển, vẫn có đồng ra đồng vào để sống nhưng mùa hè mà biển vắng lặng thế này thì nó buồn sao ấy.
Thuận An, cái tên thật đẹp, chỉ tên gọi ấy thôi cũng nói lên ước mơ ngàn đời của cư dân vùng biển đó là nguyện cầu mưa thuận gió hòa, ra biển ra khơi bình an làm ăn, bình an trở về. Tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa tên gọi ấy khi chứng kiến cảnh một bác gái đứng chờ đón ghe câu của chồng và con trai cập bờ. Chiếc ghe bé nhỏ - loại ghe dùng đi câu, đánh bắt gần bờ, thân cong như hình trăng thượng tuần - vừa cập bờ là bác gái chạy ào xuống phụ chồng và con vần chiếc ghe vào sâu trong bờ cát. Hình ảnh ba con người tràn đầy yêu thương ấy xúm xít cùng nhau trên biển, giản dị, đời thường mà đẹp làm sao.
Ông bác ngư dân của tôi lên tiếng chào người bạn nghề, một vài người dân ở trong xóm ra biển chờ ghe câu về để mua mực. Buổi đi câu và đổ lờ của bác ấy từ hai giờ chiều đến hơn năm giờ được hơn hai ký mực và chừng năm ký cá nục. Những con mực tươi đến độ thân còn trong suốt, cá nục câu tuy nhỏ nhưng thân đã ánh lên màu xanh của đại dương. Giá mực một ký ba trăm ngàn đồng, cá nục một ký mười lăm ngàn. Hai ký mực có ngay hai người mua, còn cá nục không ai mua bác đem về nhà. Cuộc mua bán diễn ra ngay trên biển, nhanh gọn. Tôi nhẩm tính buổi chiều của hai cha con cũng được hơn sáu trăm ngàn. Bác gái xách túi cá nục về trước, bác cháu chúng tôi đứng trò chuyện vài phút với hai cha con, tôi nhìn cậu thanh niên làng biển nắng gió rắn chắc, đôi bàn tay bợt trắng vì ngâm nước biển mà hiểu rằng giữa biển khơi ngoài kia, cậu là chỗ dựa của cha mình. Sau vài lời thăm hỏi, hai cha con chào bác cháu chúng tôi về nhà, tôi nhìn theo hướng bác tôi chỉ, căn nhà đổ mái bằng tuy chưa sơn quét nhưng trông thật vững chãi ở phía sâu trên kia là nhà của họ, lòng tôi thầm vui.
Gió biển vẫn lồng lộng, từ đằng xa một cánh diều chao lượn trong gió. Cánh diều ấy chiều nay bay một mình trông cô đơn nhưng vẫn mạnh mẽ. Ngắm cánh diều tôi bỗng tin rồi mùa dịch bệnh này sẽ qua, biển chiều sẽ rộn tiếng nói cười trở lại. Nhiều khi có xa cách thì lúc gặp lại càng trân quý, có như vậy mới giúp con người hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của từng ngày được sống bên nhau, khỏe mạnh, bình yên và hạnh phúc.
Trên biển chiều Thuận An tôi hít một hơi dài thay cho lời chào tạm biệt để cùng bác trở về nhà với món cá nục hấp cuốn bánh tráng đang đợi. Sẽ có vị ngọt lịm của cá tươi từ chiếc ghe câu vừa cập bến, vị ớt cay nồng và vị nước mắm Thuận An nguyên chất, thơm lừng. Toàn là những vị nặng tình biển, tình Huế. Tôi nhận ra quê hương đâu có bao xa, quê hương ở trong lòng mỗi người, trong hương vị ẩm thực và cả trong tiếng sóng biển dạt dào.
Xuân An