Mô hình nuôi cá chình thương phẩm tại địa phương. Ảnh: NVCC

Tại nhà anh Đoàn Văn Hiền (Thôn 1, xã Vinh Mỹ), 350m2 diện tích nuôi cá chình đang phát triển ổn định. Là Chi Hội trưởng HND thôn 1, anh Hiền từng chênh vênh khi bỏ nghề thợ sắt tại TP. Hồ Chí Minh để trở về quê lập nghiệp. Anh kể: “Tôi làm đủ nghề, cả chạy xe ôm nhưng vẫn không đủ sống. May mắn tiếp cận cá chình, từ nuôi chung đến tự nuôi riêng, nhờ cá chình mà kinh tế của tôi ổn định hơn, cuộc sống đã hết bấp bênh”.

Là một trong hàng chục hộ tại địa phương chọn cá chình để phát triển kinh tế, không quá xa lạ nhưng cá chình là đối tượng cần kỹ thuật làm ao, chăm sóc phức tạp. Thời gian thu hoạch dài, vốn bỏ ra nhiều khiến người nuôi cá chình chịu nhiều rủi ro. Hiểu được nỗi băn khoăn và lo lắng của người nông dân, từ quá trình công tác, bằng kinh nghiệm và ứng dụng thực tế, anh Nguyễn Văn Hoàng đã tìm ra phương pháp nuôi cá chình phù hợp với đặc điểm khí hậu và nguồn lực sẵn có tại địa phương.

Anh nói: “Đó là một số biện pháp cải tiến kỹ thuật nuôi cá chình thương phẩm trong bể xi măng. Những kiến thức này là kinh nghiệm tôi đúc rút từ tài liệu, thực hành nuôi và quan sát quá trình nuôi của các hộ dân”. Hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho hội viên từ đặc tính, các điều kiện cần thiết để nuôi cá chình đến cách xây dựng bể, xử lý bể nuôi, hướng dẫn cách chọn và thả cá giống, chọn lọc chế độ cho ăn, chăm sóc và quản lý cá... Kỹ thuật nuôi cải tiến đã góp phần thay đổi tư duy nuôi cá chình truyền thống của các hộ dân nơi đây.

Hiệu quả của hướng đi này đã được minh chứng. Năm 1998, toàn xã chỉ có 3 hộ nuôi với sản lượng ước đạt 30 tấn/ha thì đến năm 2020, sản lượng đạt ngưỡng 50 tấn trên cùng một diện tích. Anh Hoàng hồ hởi: “Quan trọng nhất là người nông dân rất chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để vươn lên, lan tỏa giấc mơ với cá chình. Số lượng hộ nuôi tăng liên tục, lên 70 hộ năm 2020. Với tính ổn định của thị trường, người nuôi cá chình lãi khoảng 190 triệu/1 tấn, mang lại thu nhập bền vững cho người nông dân”. 

Được sự quan tâm của HND các cấp, anh Nguyễn Văn Hoàng tiếp tục “vun vén”, xây dựng dự án nuôi cá lóc đầu nhím thương phẩm. So với cá chình, cá lóc đầu nhím có quy trình nuôi đơn giản hơn. Tuy nhiên, giá trị kinh tế loài cá này vẫn ổn định bởi chất lượng thịt thơm ngon, ít bệnh tật. Dự án nuôi cá lóc đầu nhím thương phẩm đã được HND tỉnh, huyện giải ngân với nguồn vốn 400 triệu đồng/7 hộ vay để đầu tư mở rộng mô hình. Tổ nghề nghiệp nuôi cá lóc đầu nhím ở Chi hội thôn 1 cũng được thành lập với 11 hộ, kết nối, “chung lưng đấu cật” để cùng vươn lên.

Ngoài cá lóc đầu nhím, địa phương thành lập thêm tổ nghề nghiệp nuôi cá chình và tổ sản xuất rau hữu cơ. Đây đều là những dự án thiết thực, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, góp phần giúp hội viên nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập.

Gắn bó và hết lòng vì nhà nông, đi đến đâu chúng tôi cũng nhận ra ánh mắt thân thiết và cái bắt tay chắc nịch mà mỗi nông dân dành cho anh Hoàng. Được đồng hành cùng bà con nông dân là niềm hạnh phúc mà không chỉ bởi trọng trách được giao phó, đó còn là niềm say mê của anh, một nhà nông thực thụ với các loại cây trồng, vật nuôi. Trong giai đoạn tới, anh bật mí sẽ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để phát triển mô hình chăn nuôi gia cầm. Với những dấu ấn ấy, anh Nguyễn Văn Hoàng vinh dự được của Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 – 2020.

Mai Huế