Công nhân hàng ngày phải vất vả "tuần sông" để vớt rác

Cách đây chưa lâu, cùng cậu tài xế cơ quan chứng kiến trường hợp một người đàn bà vô cớ dừng xe máy giữa cầu Phú Xuân rồi lặc lè xách xô nước bẩn được chở theo hắt thẳng xuống sông Hương, tôi thấy kinh hãi và hết sức phẫn nộ. Giận mình không kịp quay phim chụp ảnh đưa lên Huế-S để làm bằng chứng giúp cơ quan chức năng xử lý, răn đe.

Chuyện chưa kịp nguôi ngoai, đang còn cố tự an ủi với suy nghĩ đó chỉ là cá biệt thì có dịp đứng chờ người quen ở đường Phan Đình Phùng, đoạn trước Lạc Tịnh Viên (số nhà 65), bất chợt nhìn sang bên kia sông, bắt gặp một người đàn ông với xô nước bẩn trên tay tiến đến bên bờ điềm nhiên đổ ào xuống sông, xong xách cái xô rỗng đưa về trả cho một quán bún bên kia đường. Thấy tôi nhăn mặt phàn nàn, một bác xe ôm đứng chờ khách gần đó cũng trút nỗi lòng: “Chuyện thường ấy mà, quán ăn mô ở cạnh sông cuối buổi mà không “tổng kết”. Ai có người xin nước mã còn đỡ, không có thì thức ăn thừa, nước rửa chén đều đổ xuống sông cho nhẹ gánh hết. Dân mình chịu, nói mãi cũng rứa, trách chi sông không bẩn, cá không chết!”.

Tôi giật mình với nỗi lòng của bác xe ôm. Có lẽ với nghề của mình, khi thì chạy khắp hang cùng ngõ hẻm, lúc tha thẩn chờ khách mỗi ngày, bác đã phải mục kích rất nhiều cảnh tượng đáng buồn ấy nên mới trải lòng một cách bức xúc như vậy. Không ở tại vị trí các quán ăn, hàng nhậu vào giờ đóng quán nên trước đó tôi chưa chứng kiến cảnh đổ nước bẩn xuống sông hói, ao hồ, nhưng cảnh các thực khách ra đứng cạnh bờ sông, hồ điềm nhiên giải quyết đầu ra hoặc hò kêu tên “em huệ” thì vô số lần. Còn cảnh các bà, các chị hàng rong trái cây, rau củ quả ở các chợ, cuối ngày hắt luôn cả rổ vỏ, hoặc rau củ hư thối xuống sông trước khi quảy gánh về nhà thì như cơm bữa…

Dân số ngày mỗi đông, người bán buôn cũng theo đó mà ngày mỗi nhiều lên. Người này thiếu ý thức một chút, người kia thiếu ý thức một chút, tích tụ ngày này qua ngày khác, các con sông, hệ thống ao hồ trong phố thị làm sao chịu nổi? Như dòng An Cựu, trước đây là nguồn nước sinh hoạt của cư dân ven sông. Xóm tôi cũng cũng cư ngụ ven con nước này, mùa hè, chiều nào cả xóm cũng í ới gọi nhau ra sông bơi, tắm. Cảnh ấy bây giờ đã thành quá vãng lâu lắm rồi. Không phải là vì nước máy bây giờ đã quá dồi dào, người ta chê nước sông, mà vì thực tế nước sông bây giờ quá bẩn. Chỉ bằng mắt và khướu giác bình thường thôi, cũng có thể cảm nhận được điều đó.

Ngay như con sông Hương huyền thoại, bây giờ chỉ ở khu vực thượng lưu còn có người bơi tắm, về phía hạ lưu, nếu tắm cũng chỉ là điều miễn cưỡng. Tất nhiên, các con sông bị “đầu độc” xuống cấp không phải chỉ do rác, nước bẩn từ các hàng quán, các bà, các chị hàng rong ở các khu chợ, mà còn do các loại nước thải không qua xử lý, phân thuốc từ đồng ruộng, vườn tược chảy vào… Song không thể chối cãi là hành vi xả thải vô ý thức từ các hàng quán dự phần không nhỏ. Nhất là sau khi Huế đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải quy mô, hiện đại, thì để cải thiện và giữ gìn sự trong xanh của sông hói, ao hồ, việc quản lý xả thải từ các đối tượng vừa kể là điều rất cần phải quan tâm.

Nên giao trách nhiệm cho chính quyền các địa phương, ban quản lý các chợ khảo sát, giải thích, vận động và buộc ký cam kết tự quản lý, không tùy tiện xả thải xuống sông hói, ao hồ. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm. Những trường hợp chây ì, tái phạm nhiều lần sau khi đã được vận động, nhắc nhở, cảnh cáo thì kiên quyết đình chỉ kinh doanh để làm gương. Huế đang xây dựng đô thị xanh và thực tế đang ngày càng xanh, sạch, sáng, được cả cộng đồng dân chúng hoan nghênh ủng hộ, du khách và dư luận đánh giá cao. Những trường hợp vô cảm, quay lưng với xu thế tốt đẹp này là điều không thể chấp nhận. Bởi suy cho cùng, bỏ rác, xả thải đúng nơi, đúng chỗ là việc chẳng có gì quá khó khăn, tốn nhiều công sức. Chỉ cần trách nhiệm một chút, ý thức một chút, ai cũng đều có thể làm được.

Bài, ảnh: Thượng Bích