Ông Nguyễn Vũ Minh Tân, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp BVĐK HVT đang cung cấp cho phóng viên hồ sơ chế độ mà đơn vị đã làm cho CBCNVC

Theo đơn trình bày của bà Hà, bà được Bệnh viện Đa khoa Hoàng Viết Thắng (BVĐK HVT) ký hợp đồng lao động vào cuối năm 2007 với công việc chính là hộ lý. Mức lương khoán bà được nhận là 800.000 đồng/tháng và đến nay là 1.088.000 đồng/tháng. Ngày 22/10/2010, bà nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng của Bệnh viện đối với bà. Tuy nhiên, do đơn vị không đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cho bà theo quy định của Nhà nước, nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bà...Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Trung (chồng bà Hà) có đơn gửi đến Báo Thừa Thiên Huế cho rằng, đơn vị đã đóng bảo hiểm cho bà Hà, nhưng không hề thanh toán một chi phí nào về trợ cấp thôi việc của doanh nghiệp đối với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Ông Nguyễn Vũ Minh Tân, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp BVĐK HVT cho biết, bà Hà được nhận vào làm việc tại BVĐK HVT từ năm 2007, khi bệnh viện mới thành lập. Từ ngày vào làm việc, bà Hà luôn hoàn thành tốt công việc của một hộ lý, không để xảy ra sai sót gì và bà Hà là người được nâng lương trước thời hạn. Bệnh viện đã làm đúng quy định của Nhà nước là đóng các khoản, như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ tháng 1/2008 đến hết tháng 10/2010 và bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 2/2009 (từ khi Nhà nước áp dụng bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc) đến tháng 10/2010. Tuy nhiên, do bà Hà viết đơn xin thôi việc (thực ra là đơn này do chồng bà Hà viết); hơn nữa, bà Hà cũng có nhu cầu nghỉ việc theo nguyện vọng của chồng, nên bệnh viện đã ra Quyết định số 237/QĐ-BVHVT đồng ý cho bà Hà thôi việc kể từ ngày 22/10/2010. Theo đó, Phòng Hành chính - Tổng hợp làm các thủ tục theo quy định của BVĐK HVT và theo luật định. Trong đó, BVĐK HVT đã trả sổ bảo hiểm xã hội cho bà Hà (sổ bảo hiểm đã đóng bảo hiểm cho bà Hà từ tháng 1/2008 đến tháng 10/2010) và hướng dẫn bà Hà đến Trung tâm Xúc tiến việc làm tỉnh (do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ủy quyền) để được thanh toán các chi phí trợ cấp thất nghiệp.
 
Bà Nguyễn Thị Quang Hiền, Giám đốc BVĐK HVT cho biết thêm, do đơn vị mới thành lập (hoạt động chỉ được 3 năm), quỹ phúc lợi của BVĐK HVT không có. Do đó, bệnh viện không có khoản nào để hỗ trợ cho bà Hà trong việc chấm dứt hợp đồng này.
 
Được biết, bảo hiểm thất nghiệp chỉ mới áp dụng từ đầu năm 2009, trong khi đó, bà Hà công tác tại BVĐK HVT từ cuối năm 2007. Vì vậy, BVĐK HVT cũng cần có chế độ trợ cấp thôi việc cho bà Hà theo như Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động; Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 44/2003/NĐ-CP của Chính phủ. Xung quanh vấn đề này, bà Bùi Thị Hợi, Trưởng phòng Chính sách Lao động Sở LĐTBXH cho biết, sau khi nhận được đơn của bà Hà, Sở LĐTBXH đã có công văn số 1667/CV-SLĐTBXH ngày 8/11/2010 đề nghị BVĐK HVT trả lời về những nội dung đơn mà bà Hà khiếu nại. Tuy nhiên, đến nay Sở LĐTBXH vẫn chưa nhận được công văn phúc đáp của BVĐK HVT để xem xét, giải quyết
 
BVĐK HVT cần rốt ráo giải quyết vấn đề trên, tránh tình trạng đơn thư khiếu nại kéo dài; đồng thời, đem lại niềm tin cho người lao động đang làm việc tại BVĐK HVT.
 
Bài, ảnh: Hải Huế