UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu tặng quà, động viên học sinh Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế nhân khai giảng năm học mới.  Ảnh: ANH PHONG (chụp trước khi tái bùng phát dịch COVID-19)

1. Ngay từ khi còn là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, cho đến khi trở thành một học sinh nằm trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn lịch sử, tôi đã thấm nhuần quá trình thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam và sứ mệnh lịch sử của Đảng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước. Thế hệ trẻ ngày hôm nay có được giang sơn gấm vóc, có được độc lập, tự do, hạnh phúc, có môi trường hòa bình để phấn đấu và học tập, được trân trọng và phát huy tài năng là nhờ công lao to lớn của Đảng.

Và cũng có thể nói rằng, thế hệ trẻ Việt Nam qua các thời kỳ luôn là lực lượng tiên phong, xung kích cách mạng, đầy bản lĩnh, lý tưởng niềm tin và có tư duy cách tân sáng tạo nhất.

Những ngày đầu trong công cuộc tìm đường cứu nước và chuẩn bị cho thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi dấu ấn những gương mặt trẻ tuổi, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Rồi đồng chí Trần Phú giữ chức Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc mới 26 tuổi. Đồng chí Tố Hữu – người đảng viên, nhà thơ thân yêu của quê hương Thừa Thiên Huế giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên Huế trong Cách mạng tháng Tám lúc vừa tròn 25 tuổi và chỉ một năm sau ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, mang tới Hội nghị Hòa bình Versailles bản Yêu sách của nhân dân An Nam cũng chỉ mới 29 tuổi… Tất cả các bậc tiền bối đó, vào độ tuổi thanh niên của mình đã tạo nên những bước ngoặt lớn lao không chỉ đối với Đảng mà còn đối với vận mệnh của dân tộc và đất nước.

2. Trong nhiều lần thắp hương, đốt nến tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Huế... hay chỉ ở một nghĩa trang địa phương gần gũi mà ấm cúng ở xã nhà, tôi đã bùi ngùi xúc động trước sự hy sinh của hàng vạn chiến sĩ “đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Biết bao người con của quê hương đã ra đi vĩnh viễn khi độ tuổi thanh xuân mới chỉ đôi mươi, thậm chí còn trẻ hơn nữa. Năm tôi tròn 20 tuổi, khi đọc Nhật ký́ Đặng Thùy Trâm và Nhật ký Mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, tôi đã khóc về tuổi trẻ bi hùng của họ. Đất nước chúng ta đã được viết nên bằng máu của tuổi trẻ, và cương vực của Tổ quốc đã được đánh dấu không phải bằng những con số khô khan, mà bằng chính xương cốt hoặc một phần tuổi trẻ, một phần máu thịt của họ.

Tôi chợt nhận ra, thế hệ trẻ của tôi đã được nhận quá nhiều từ những thế hệ trẻ đi trước.

Nhằm cống hiến và đền đáp công ơn giáo dục của Đảng, sự dìu dắt của Đoàn, tôi đã lựa chọn sự nghiệp trồng người. Tôi luôn mong muốn trở thành một người bạn gần gũi của tuổi trẻ khi sự hữu hạn của đời người là điều tất yếu với mỗi chúng ta.

Sau 15 năm giảng dạy, thế hệ sinh viên đầu tiên của tôi, nhiều người đã tốt nghiệp thạc sĩ, có người vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và tôi luôn thấy trong họ sự gắn bó với tổ chức Đoàn, tình yêu đối với Đảng và Bác Hồ, một trái tim khát khao cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước. Tôi nghĩ rằng, hãy cho họ cơ hội và hãy tin tưởng vào họ.

Để xứng đáng với tiền nhân, với các thế hệ cha anh, chúng ta càng cần phải tự nhận thấy vai trò, trách nhiệm và sứ mệnh tất yếu của mình trước vận mệnh của dân tộc, trước sự phát triển đi lên của quê hương Thừa Thiên Huế. Chúng ta tự hào nhưng không được tô hồng, chủ quan; quyết tâm nhưng phải thiết thực cụ thể, nhận thấy thời cơ nhưng cũng cần tỉnh táo để nhận rõ những thách thức, khó khăn; khẳng định ưu điểm nhưng cũng phải thành khẩn khắc phục những yếu kém, khuyết điểm. Nhưng điều quan trọng nhất, những người trẻ tuổi luôn cần đi tiên phong và là những người xung kích một cách có tri thức, đạo đức và tư tưởng.

TS. PHAN TUẤN ANH