Sau khi đưa công trình vào sử dụng sẽ góp phần phát triển phong trào thể dục, thể thao cho địa phương

“Dai dẳng” nhiều năm

Sau một thời gian dài thi công ì ạch, xuống cấp khi chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng, đến nay Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng khu vực Phú Vang, chủ đầu tư Dự án Trung tâm Văn hóa thể thao Thuận An (DA, giai đoạn 1) đã tiến hành sửa chữa, hoàn thiện và bàn giao công trình cho thị trấn Thuận An đưa vào quản lý, vận hành.

DA được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 2012/QĐ-UBND ngày 31/10/2012 của UBND tỉnh với quy mô đầu tư gồm: Phần san nền khu đất rộng 4,9 ha; xây mới khán đài có sức chứa khoảng 1.000 người; bố trí các phòng chức năng bên dưới khán đài; trồng cỏ mặt sân bóng, đường chạy và hệ thống thoát nước bao quanh sân, đầu tư một số trang thiết bị để đảm bảo yêu cầu sử dụng.

Toàn bộ tường khán đài xây bằng gạch tuynel, tường quét sơn 3 nước, cửa gỗ nhóm II, khung ngoại gỗ nhóm 3. Tại khán đài còn có hệ thống cấp thoát nước, điện, thông tin liên lạc, phòng cháy chữa cháy. Dưới khán đài bố trí các phòng chức năng như phòng tổ chức, trọng tài, y tế, kho... với diện tích 234m2.

Tổng mức đầu tư dự án gần 21,5 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tỉnh 20 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 1,5 tỷ đồng). Thời gian thực hiện theo quyết định phê duyệt là 3 năm kể từ ngày khởi công. Dự án khởi công xây dựng từ tháng 7/2013 do liên danh Công ty CP kinh doanh nhà Thừa Thiên Huế - Công ty TNHH Hùng Hậu - Công ty TNHH Tuấn Hùng thi công, việc triển khai dự án kéo dài gần 8 năm, chậm so với quyết định phê duyệt do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ông Phan Văn Ngọc, Giám đốc Ban Đầu tư và xây dựng khu vực huyện Phú Vang thông tin, quá trình triển khai, do khó khăn về nguồn vốn nên việc thi công kéo dài, ngưng trệ dẫn đến một số hạng mục công trình xuống cấp, phải sửa chữa nhiều lần. Sau nhiều năm triển khai công trình chưa thể đưa vào hoạt động có nguy cơ gây lãng phí đầu tư.

Đây là dự án nằm trong kế hoạch bố trí vốn trung hạn của tỉnh giai đoạn 2016-2020, trong quá trình triển khai gặp phải sự cố môi trường biển Formosa năm 2016 nên phải tập trung nguồn lực để đầu tư cho các dự án khác để khắc phục sự cố. Vì vậy, vốn bố trí hàng năm cho dự án này cao nhất là 9 tỷ vào năm 2014, thấp nhất 500 triệu đồng, thậm chí năm 2019 không được rót vốn.

Chưa quyết liệt

Ông Phan Văn Ngọc cho rằng, về khách quan, nguyên nhân chậm tiến độ của công trình là do việc bố trí vốn ngân sách tỉnh kéo dài qua nhiều năm, lũy kế bố trí vốn đến nay 19,342 tỷ đồng/20 tỷ đồng (năm 2020, bố trí 500 triệu đồng), phần ngân sách huyện đã bố trí 1,4 tỷ đồng.

Vị trí xây dựng là hồ nuôi trồng thủy sản (NTTS) thấp trũng, cần khối lượng lớn cát để san nền từ vùng đầm phá và các hồ NTTS lân cận, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) vướng các hộ dân, trữ lượng cát không đủ và cự ly hút cát khá xa, phải di chuyển đường ống hút cát nhiều lần nên phải điều chỉnh phạm vi đền bù để hút cát. Thời gian thi công khá dài, nguyên vật liệu biến động tăng gây khó khăn cho các đơn vị thi công. Ngoài ra, đây là vùng đầm phá ảnh hưởng bởi độ mặn nên việc trồng cỏ mặt sân khó khăn, các hạng mục đã thi công trải qua thời gian dài và ảnh hưởng bởi thời tiết có dấu hiệu xuống cấp nên phải sửa chữa nhiều lần.

Ông Phan Văn Ngọc cũng thừa nhận việc chậm tiến độ có phần trách nhiệm của chủ đầu tư khi lựa chọn hạng mục thi công chưa hợp lý, năm 2013-2014 chỉ tập trung triển khai hạng mục khán đài, qua thời gian một số hạng mục bị bong tróc, hư hỏng; chưa cân đối giữa việc thi công khán đài và hạng mục san nền để điều tiết tiến độ dự án.

Năng lực triển khai của nhà thầu hạn chế, đặc biệt là Công ty TNHH Tuấn Hùng thi công chậm trễ, kéo dài buộc phải chấm dứt hợp đồng giao lại phần công việc còn lại cho nhà thầu khác trong liên danh làm gián đoạn quá trình triển khai. Chủ đầu tư chưa quyết liệt xử lý những vướng mắc và có chế tài xử lý dứt điểm những tồn tại dẫn đến công trình chậm tiến độ. 

“Đến nay, DA đã khắc phục dứt điểm những tồn tại, hư hỏng và nghiệm thu hoàn thành, bàn giao cho UBND thị trấn Thuận An tiếp quản, sử dụng. Việc đưa công trình vào sử dụng đã góp phần phát triển phong trào thể dục, thể thao cho địa phương, đồng thời ngăn chặn tình trạng một số đối tượng nghiện ngập, ăn nhậu tụ tập, gây nhếch nhác, phá hoại công trình”, ông Ngọc cho biết thêm.

Theo hợp đồng, Công ty CP Kinh doanh nhà Thừa Thiên Huế thi công phần khán đài, khu dịch vụ với phần thô từ trục 4 đến trục 13 và toàn bộ phần hoàn thiện. Hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng – nối đất, thông tin liên lạc. Tổng giá trị doanh nghiệp này thi công là trên 5,66 tỷ đồng, chiếm 35%. Đối với 2 doanh nghiệp còn lại thi công 65% giá trị hợp đồng, bao gồm san nền, mặt sân bóng, đường chạy, mương thoát nước, hệ thống PCCC.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh