Thầy Ngọc Anh tại giải vô địch Bóng bàn - Cầu lông tỉnh năm 2020

Khi còn đi dạy, đồng nghiệp ai cũng biết tài năng đánh bóng bàn của thầy Ngọc Anh, nhưng thầy chỉ tham gia thi đấu theo phong trào nhằm góp phần nâng cao thể chất cho học sinh nên dù thường đạt giải cao ở mỗi cuộc thi thầy vẫn cương quyết không tham gia các sân chơi lớn hơn.

Với quan niệm rằng, bóng bàn cũng là một xã hội thu nhỏ, để không tạo thêm áp lực, mỗi cuộc chơi, làm sao để dù thắng hay thua thì đích cuối cùng là cùng trao nhau nụ cười và ngày càng có thêm nhiều bạn bè. Để được như vậy, trước khi vào trận, thầy thường tìm cách nắm bắt tâm lý đối phương để biết dừng đúng lúc, tránh gây căng thẳng cho bất cứ ai; đối thủ là cơ trên hay cơ dưới thì cũng là cơ hội để thầy học hỏi thêm kinh nghiệm. Đặc biệt, ở đâu những người đam mê bóng bàn cũng có kênh để tìm nhau, mỗi lần có dịp đi xa, đến đâu thầy cũng tìm bằng được sân chơi và bạn thi đấu. Gặp đối thủ giỏi, phải tìm cách ứng xử để phản công, thắng được tất nhiên là vẻ vang, nhưng nếu thua lại càng có động lực để luyện tập.

Đáng nhớ nhất với thầy là lần đi công tác ở Sa Pa cách đây hơn 10 năm, ở đây thầy đã gặp một đối thủ trẻ hơn mình đến 20 tuổi và được giới thiệu là người chơi giỏi nhất ở đó. Sau gần 6 tiếng thi đấu, thầy thì thắng nhưng vẫn thán phục đối phương, còn người cán bộ trẻ ấy thì đã trải lòng: “Cháu đã gặp không ít “dị nhân”, thắng thua là lẽ thường tình, nhưng vì lần này cháu không tìm được lý do vì sao mình lại thua. Nhất là khi đối thủ là người lớn tuổi hơn mình”. Từ đó, không chỉ thường xuyên liên lạc với thầy, mà mỗi lần đến Huế, “đối thủ” đó lại tìm đến nhà thầy như đến nhà người thân.

Bóng bàn đã trở thành một phần cuộc sống của thầy Ngọc Anh, đã thành thói quen, mỗi ngày ít nhất giành hai tiếng đánh bóng là cách để thầy giải tỏa áp lực trong cuộc sống. Năm 2019 thầy nghỉ hưu, cũng năm đó phường An Đông (địa phương nơi thầy ở) là đơn vị đầu tiên của thành phố thành lập Câu lạc bộ Bóng bàn dành cho người cao tuổi và mời thầy tham gia. Không còn áp lực công việc, thầy nhận lời tham gia và trở thành thành viên tích cực không chỉ để tìm niềm vui cho bản thân mà còn là cách để chứng minh mình vẫn sống khỏe, sống vui và vừa để các con ở xa yên tâm. Từ đó đến nay, thầy liên tiếp giành giải cao ở các hội thi; riêng năm 2020, thầy đạt giải nhất đôi nam bộ môn bóng bàn tại Giải vô địch Cầu lông – Bóng bàn tỉnh lứa tuổi trên 50 cấp tỉnh; giải nhất đơn nam bóng bàn Hội thao người cao tuổi thành phố Huế.

Hôm chúng tôi đến thăm nhà, bên ly cà phê do chính vợ pha, thầy tự hào rằng, thể thao không chỉ cho ta sức khỏe tốt mà còn xây dựng một gia đình nề nếp. Rồi thầy cười, dẫn chứng: “Đánh bóng thì không còn thời gian cho bia rượu, tạo được sinh hoạt lành mạnh cho bản thân, lại làm gương cho vợ con tham gia”.

Nhiều người bày tỏ tiếc rẻ tại sao thầy không trở thành vận động viên bóng bàn chuyên nghiệp. Nhưng thầy trả lời: “Điều đó phụ thuộc vào tâm lý. Bây giờ cũng vậy, thi đấu tiếp hay không tôi cũng không nói trước được. Quan trọng là không bao giờ tạo áp lực cho mình khi cầm vợt”.

Ông Hoàng Duy Tiêm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bóng bàn Đoàn kết phường An Đông đánh giá về thầy Ngọc Anh: “Nhờ tâm lý thoải mái và kinh nghiệm nắm bắt tâm lý đối phương, thầy Ngọc Anh luôn phát huy tối đa khả năng để luôn khuất phục đối thủ. Vì thế, thầy Ngọc Anh không chỉ là tấm gương trong thể thao với các thành viên khác mà còn dẫn dắt các thành viên khác lấy thể thao làm công cụ để xây dựng lối sống lành mạnh”.

Bài, ảnh: DUY DŨNG - HƯƠNG LAN