Cổng vào VQG Bạch Mã (Ảnh chụp trước khi dịch bệnh bùng phát)

Bạch Mã là ngọn núi thiêng trong tâm thức nhiều người, là Vườn Quốc gia (VQG) nổi tiếng nằm ở huyện Phú Lộc, huyện cực nam tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo thông tin giới thiệu từ VQG Bạch Mã, năm 1925, dưới thời Pháp thuộc, để bảo vệ loài Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), chính quyền sở tại đã xây dựng và đệ trình lên Bộ Thuộc địa Pháp một dự án thành lập vườn quốc gia rộng 50.000ha. Năm 1932, Bạch Mã được phát hiện và đệ trình xây dựng khu nghỉ mát bởi ông M.Girard, kỹ sư trưởng ngành cầu đường, chính quyền Pháp thuộc. Năm 1942, khu nghỉ mát từ đai cao 1.200m đến đỉnh Bạch Mã được xây dựng hoàn chỉnh với một quần thể gần 139 biệt thự, chợ, bưu điện, nhà hàng tạp hóa và một tuyến đường ô tô nhỏ 19km nối từ quốc lộ tới khách sạn Morin. Ngoài ra, khu nghỉ mát còn có một hệ thống các đường mòn dẫn đến các biệt thự, các cảnh quan thiên nhiên hoang sơ như Vọng Hải Đài, Công viên Rừng, Công viên Đá Hát, trại Hướng Đạo Đông Dương, các suối thác đẹp như suối Hoàng Yến, thác Bạc, thác Ngũ Hồ, thác Đỗ Quyên, ….

Ngày 09/8/1986, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký Quyết định 194/CT về việc thành lập hệ thống các khu rừng cấm trong toàn quốc, trong đó có Bạch Mã - Hải Vân. Đến 15/7/1991, VQG Bạch Mã trực thuộc Bộ Lâm nghiệp, tổng diện tích là 22.031ha. Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 01/QĐ -TTg điều chỉnh mở rộng VQG Bạch Mã lên  37.487ha, nằm trên địa bàn ranh giới hành chính của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.

Số liệu thống kê đến nay cho thấy, về thực vật, tổng số các loài nấm và thực vật đã ghi nhận ở VQG Bạch Mã là 2.421 loài (chiếm gần 17% tổng số loài thực vật trong cả nước), bao gồm 74 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam 2007, 20 loài có tên trong Danh lục IUCN năm 2016 và 204 loài đặc hữu. Về động vật, VQG Bạch Mã có 1.728 loài thuộc 54 bộ, 266 họ. Trong đó có 70 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam 2007, 52 loài có tên trong Danh lục IUCN năm 2016 và 15 loài đặc hữu.

Thảm sinh vật phong phú của Bạch Mã

Do tính đa dạng sinh học cao, cảnh sắc và khí hậu tuyệt vời nên từ lâu Bạch Mã đã được giới sinh vật học, chuyên gia du lịch cũng như nhiều du khách và cư dân địa phương tìm đến tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu. Nhưng cũng chính thảm sinh vật phong phú quý hiếm như vậy nên Bạch Mã cũng không ngớt bị giới lâm tặc thèm khát dòm ngó, buộc lực lượng kiểm lâm của Vườn phải không ngừng cảnh giác, tăng cường hoạt động mới giữ được bình yên cho thảm thực vật và động vật nơi đây.

Đầu năm 2021 này, một thông tin gây chú ý khiến các nhà chuyên môn lẫn những người yêu quý Bạch Mã ai cũng cảm thấy phấn chấn, đó là việc phát hiện, ghi nhận 12 đàn voọc chà vá chân nâu với khoảng 128 cá thể xuất hiện, sống và kiếm ăn tại VQG Bạch Mã. Voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là voọc chà vá chân đỏ; voọc ngũ sắc…) là loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ. Đây là loài linh trưởng đặc hữu của Đông Dương, được tổ chức bảo vệ động vật hoang dã quốc tế tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài linh trưởng. Việc đàn voọc xuất hiện kiếm ăn ở đây “cho thấy sinh cảnh tại VQG Bạch Mã đang được quản lý, bảo vệ an toàn”- ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã nhận định. Cũng nhân sự kiện trên, ông Nguyễn Vũ Linh đã thông tin với báo chí rằng, vài năm gần đây các hoạt động bảo tồn, bảo vệ rừng, động vật hoang dã của VQG Bạch Mã có nhiều chuyển biến tích cực. “Các cửa, lối ra vào rừng được chốt chặn, phát hiện, xua đuổi kịp thời các đối tượng nghi vào rừng săn bẫy động vật hoang dã. Hàng ngàn bẫy thú rừng đã được cán bộ kiểm lâm gỡ bỏ.”

Thông tin cho thấy nỗ lực của kiểm lâm VQG Bạch Mã trong công tác bảo vệ rừng, nhưng đồng thời cũng cho thấy, còn quá nhiều đối tượng lâm tặc vẫn rình rập, lăm le xâm hại Bạch Mã. Sự đa dạng sinh học, sự giàu có của hệ động, thực vật vô hình chung khiến Bạch Mã trở thành miếng mồi ngon trước con mắt thèm thuồng của lâm tặc. Con số hàng ngàn cái bẫy thú rừng bị gỡ bỏ đủ để khẳng định điều đó.

Dưới tán rừng già của Bạch Mã là ngôi nhà chung của nhiều loài chim, thú quý hiếm

Dân Huế không ai là không hạnh phúc và tự hào vì có Bạch Mã, nhưng tại sao vẫn còn đó những người không từ bỏ ý đồ xâm hại khu rừng quý giá này? Vì sinh kế? Điều đó có, nhưng chắc chắn không phải là cơ bản. Bởi nếu thực tâm muốn chuyển đổi sinh kế và từ bỏ phá rừng, chính quyền luôn có cơ chế để hỗ trợ. Trường hợp anh Trương Cảm, từ một lâm tặc, khi được vận động và “rửa tay gác kiếm”, anh đã được tạo điều kiện học hành và bây giờ trở thành một cán bộ kiểm lâm nổi tiếng, nhiệt huyết công tác tại VQG Bạch Mã chẳng phải là dẫn chứng? Cho nên, câu trả lời và giải pháp để giữ bình yên cho Bạch Mã chỉ có thể là tăng nặng chế tài. Nếu chế tài tăng đến mức thật nghiêm khắc, khiến cho các đối tượng phải phân vân “đong đếm” giữa mối lợi khi chặt cây, săn thú với cái giá phải trả cho hành vi đó, thì khi ấy, rừng và muông thú sẽ có cơ hội…

Nhớ trong một lần thăm cao nguyên Genting của Malaysia, từ cabin cáp treo phóng tầm mắt, thấy thảm rừng xanh ngút ngàn, nguyên vẹn. Hỏi chuyện sao giữ được rừng? Anh hướng dẫn viên người bản địa cười tự tin: “Phá một cái cây bị tù 20 năm, ai dám?”. Chẳng biết con số 20 năm tù được người hướng dẫn thông tin có chính xác không, nhưng chắc chắn một điều là hành vi phá rừng ở đây bị xử rất nặng. Thế nên rừng mới nguyên vẹn. Cũng như khi thăm VQG Muckdahan của Thái Lan, tôi hỏi ông Giám đốc vườn có bao nhiêu vụ phá rừng ở đây mỗi năm? Ông Giám đốc đã nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên, rồi cười: Có thì cũng chỉ rất ít và rất nhỏ. Năm nhiều nhất số vụ cũng chưa đầy số ngón của 1 bàn tay. Phạt rất nặng, không ai dám.

Ngay tại VQG Bạch Mã cũng thế, cách đây chừng 20 năm, có vụ phá rừng bị bắt và được tòa xử lưu động tại Nam Đông. Tôi được phân công theo dõi đưa tin. Nhớ án tuyên đâu 3-4 năm tù giam gì đấy, nhưng sau này, ông Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc VQG Bạch Mã cứ nhắc hoài: Báo giật cái tít bị phạt tù vì khai thác gỗ trái phép ở rừng Bạch Mã, dân phá rừng đọc phải ớn. Hoan nghênh báo rất nhiều. Vài năm tù đã có sức răn đe, nhưng có lẽ chưa đủ nặng đô nên hai chục năm rồi, Bạch Mã vẫn bị lâm tặc rình rập(?!!)

Cảnh sắc, khí hậu và sự trong lành của Bạch Mã là báu vật cần được chăm chút, gìn giữ

Bạch Mã là món quà quý “trời ban”. Giữ gìn để ngọn núi thiêng này được vẹn nguyên và ngày mỗi xanh hơn là trách nhiệm không chỉ của các cơ quan hữu quan mà còn cần sự chung tay của mỗi một chúng ta. Song song đó, luật pháp cũng cần tăng tính nghiêm khắc, răn đe hơn nữa đối với những hành vi xâm hại, để từ năm này trở đi, con số “hàng ngàn bẫy thú rừng bị phát hiện gỡ bỏ” cũng như những thông tin “đầy phập phồng” như thế sẽ không phải hiện diện trong các báo cáo nữa. Vì sự trân quý non thiêng Bạch Mã, tin rằng sự nghiêm khắc đó sẽ chẳng ai là không ủng hộ.

Huy Khánh