Đo thân nhiệt cho người lao động trước khi vào ca

Tuân thủ “5K”

Từ 6h sáng, con đường dẫn vào các nhà máy ở KCN Phú Bài bắt đầu nhộn nhịp. Hàng trăm xe máy nối đuôi nhau lần lượt đến các nhà máy, bắt đầu công việc thường ngày. Bên trong nhà xưởng, câu chuyện mà các công nhân chia sẻ, bàn tán đầu ngày không phải là chuyện tiền lương, công việc mà những thông tin về số ca dương tính COVID-19 được Bộ Y tế công bố sáng nay liên quan đến các KCN. Và rồi, những nỗi lo cũng bắt đầu hiện hữu bên trong cánh cổng nhà máy.

Có mặt tại Công ty CP Dệt may Phú Hòa An đúng lúc vào ca. Từ 6h30 sáng, công ty bố trí 3 nhân viên bảo vệ, 1 nhân viên y tế “gác cổng” và tiến hành đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho gần 1.000 lao động, đồng thời hướng dẫn kê khai y tế cho khách hàng đến giao dịch. Mọi người ai nấy đều khẩn trương, hợp tác để nhanh chóng bắt tay vào việc.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại các địa phương trong nước vào cuối tháng 4/2021, nhân viên bảo vệ phải làm việc 24/24h và tăng công suất khi DN triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch, yêu cầu người lao động và khách hàng tuân thủ 5K trước khi vào công ty. Tại khu vực nhà xưởng, ngoài CBCNV- LĐ làm việc ra, không một ai được bước chân vào bên trong, tất cả các lối vào nhà máy đều bố trí nhân viên canh giữ. Trên các chuyền may, từ sáng sớm, nhân viên y tế đặt sẵn những tờ khai y tế và tập hợp để kiểm tra vào giữa ca.

Công nhân Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế quét mã QR trước khi vào ca

Theo nhân viên bảo vệ Nguyễn Thành Trung, với 1.000 lao động, để hoàn tất việc đo thân nhiệt vào buổi sáng, 4 nhân viên phải luân phiên đứng ở cổng và mất gần 30 phút. Sau khi công nhân vào ca, công việc tiếp theo là đón tiếp, đo thân nhiệt và hướng dẫn kê khai y tế cho toàn bộ khách hàng đến giao dịch, đồng thời thay phiên nhau giữ các cổng dẫn vào nhà máy để đảm bảo không có người lạ vào.

Tại KCN Phú Đa, nhiều DN đã lắp đặt phòng kê khai y tế ngay tại cổng ra vào. Đằng sau các bãi đất trống cách nhà máy khoảng 50m, những phòng cách ly y tế cũng được dựng lên để đón các công nhân có triệu chứng sốt, ho, khó thở nghỉ ngơi trước khi thông báo cho cán bộ y tế địa phương.

Giám đốc Công ty CP Dệt may Thiên An Phú Phạm Gia Định khẳng định: “Chủ động phòng, chống dịch COVID-19 tại nhà máy theo các nguyên tắc phòng chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đảm bảo thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền về nguy cơ, tầm quan trọng cũng như những rủi ro việc phòng dịch tại nhà máy cho CBCNV- LĐ để họ ý thức giữ gìn, đảm bảo sức khoẻ và hạn chế tiếp xúc bên ngoài”.

Giám sát chéo, theo dõi ngầm

Giữ an toàn cho các nhà máy may và đảm bảo không có “F” trong khuôn viên DN không phải là biện pháp duy nhất nhằm ngăn chặn dịch COVID-19, mà quan trọng hơn đó là phải phòng dịch từ bên ngoài nhà máy.

Công nhân KCN Phú Bài làm việc giãn cách để phòng chống dịch COVID-19

Để kiểm soát dịch hiệu quả, nhiều nhà máy đã triển khai biện pháp “kiểm soát chéo”, trong đó giao trách nhiệm cho bộ phận giám sát phòng dịch COVID-19 cho cán bộ chủ chốt, chuyền trưởng, công nhân và đội cập nhật thông tin các F.

Tổ trưởng Tổ nhân sự Công ty CP Dệt may Phú Hoà An - Bùi Thị Hiếu cho rằng, đối tượng dễ lây nhiễm COVID-19 từ bên ngoài vào nhà máy thường là lao động sinh sống tại các khu nhà trọ, khu dân cư tập trung đông người. Trong khi đó, nhiều người chưa ý thức được việc bảo vệ bản thân nên việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho công nhân là điều DN thường xuyên thực hiện. Để đảm bảo nhà máy “sạch”, các đơn vị đã phân công lao động thực hiện “giám sát chéo”, người này giám sát người kia và cập nhật thông tin cho cán bộ quản lý.

“Nếu dịch xuất hiện trong nhà máy, bọn em sẽ phải nghỉ việc, trong khi mọi chi phí sinh hoạt của cả nhà đều phụ thuộc vào tiền lương tháng nên ngoài việc tuân thủ các quy định phòng dịch ở nhà máy, bọn em tự nguyện “giám sát” nhau ở khu nhà trọ. Nếu phát hiện công nhân tiếp xúc với người lạ hoặc tham gia các buổi tiệc tùng đông người thì sẽ báo cáo ngay cho chuyền trưởng để có hướng giải quyết”, công nhân may Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Ngoài việc giám sát, theo dõi các đối tượng có tiếp xúc với nhóm nguy cơ lây nhiễm hoặc các trường hợp “F” trong khu dân cư cũng được các DN triển khai quyết liệt. Khi nghe tin trong các khu dân cư có trường hợp F1, F2, tiểu ban phòng chống dịch COVID- 19 sẽ khoanh vùng, điều tra xem trong nhà máy có công nhân nào trú tại đó, hoặc có tiếp xúc để “khoanh vùng, dập dịch”. Nếu phát hiện, ngay lập tức cho công nhân nghỉ việc để theo dõi sức khoẻ.

Giữ chặt cổng nhà máy

Sau đợt bùng phát dịch thứ 4 và số ca dương tính COVID-19 tại các KCN trong nước tăng đột biến, đội phòng, chống dịch của Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế vào cuộc với tâm thế cấp bách, khẩn trương. Mỗi CBCNV - LĐ đều thể hiện vai trò là người tiên phong, gương mẫu trong việc giữ chặt cổng cho nhà máy.

Giám đốc công ty Lê Dương Huy cho rằng, với hơn 200 lao động làm việc tại các nhà xưởng, nếu xuất hiện ca dương tính COVID-19, nhà máy phải đóng cửa, các hoạt động sản xuất đình trệ và đơn hàng xuất khẩu sẽ chậm tiến độ. Khi đó, DN phải bồi thường hợp đồng cho đối tác, thu nhập của người lao động cũng khó đảm bảo. “Giữ chặt” cổng nhà máy không để các trường hợp “F” vào trong là nhiệm vụ hàng đầu, là mục tiêu sống còn của DN.

Theo ông Huy, ngoài việc xây dựng “hàng rào thép” ngay từ cổng vào bằng các biện pháp phòng dịch của Bộ Y tế và các quy định, bộ tiêu chí phòng dịch COVID-19 của Ban Quản lý (BQL) khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, DN triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm thông qua việc giãn cách từ khu nhà xưởng, nhà ăn, xe đưa đón công nhân. Đồng thời, có chế tài xử phạt đối với công nhân vi phạm và không tuân thủ yêu cầu phòng dịch. 

Theo ông Hồ Huy Hinh, Phó Trưởng phòng Đầu tư, DN và Lao động BQL Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh, ngay sau khi trên địa bàn các KCN trong nước xuất hiện nhiều ca dương tính COVID- 9, ban triển khai xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh tại nơi làm việc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND tỉnh về việc hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động.

Đối với các DN có phương tiện giao nhận hàng hóa, phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, nội dung cam kết đã ký với ban. Đồng thời, thực hiện chế độ báo cáo nhanh hàng ngày cho ban về số lượng lao động làm việc; số lao động nghỉ ca, nghỉ phép, nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe; số lao động thuộc diện F1, F2; số lao động có biểu hiện sốt, ho, khó thở… Ban đã lập 4 trang zalo cho các KCN để thường xuyên thông tin các văn bản chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, Sở Y tế, BQL để hướng dẫn kịp thời cho các DN triển khai. Trước 17h hằng ngày, BQL đều báo cáo nhanh số lượng người lao động làm việc, nghỉ việc; kiểm soát số lượng tàu tại cảng Chân mây, đồng thời nắm khó khăn vướng mắc của DN để kiến nghị đề xuất với tỉnh kịp thời giải quyết.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG