Chị mổ ung thư vú được một tuần. Một bầu vú của chị bị cắt bỏ. Do dịch COVID-19 không được vào thăm chị, nên ngày nào tôi cũng bấm điện thoại theo mạng zalo để nói chuyện. Tôi muốn an ủi chị để vơi đi nỗi buồn. Ngược lại, chị lại an ủi tôi và bạn bè, những người thân đang lo và chia sẻ nỗi đau cùng chị. Hình ảnh của chị qua video, ngay ngày thứ hai sau mổ không biểu hiện sự đau đớn do vết mổ. Chị bảo: “Trời thương thế nào mà tối qua chỉ hơi nhức, mất ngủ một tý thôi. Hôm nay, không còn đau đớn gì nữa. Chứ trước khi mổ chị nghe nhiều người họ bảo, sau khi hết thuốc mê là đau lắm”. Nói rồi, chị giơ hai tay lên xuống cho tôi xem, vẻ mặt tươi cười.

Cách đây hai tuần, phát hiện một khối u nhỏ trên ngực, chị vào bệnh viện, bác sĩ bóc khối u rồi làm xét nghiệm. Khi bác sĩ thông báo có  tế bào ung thư, chị bình tĩnh: “Không sao đâu, duyên phận mà. Trời cho mình sống ngang đâu thì nhờ nấy. Bây giờ khóc lóc, đau khổ chẳng làm được gì. Bệnh càng trầm trọng hơn. Nếu ai điện thoại hỏi, bác sĩ nói dùm là u lành hí”. Rồi chị điện thoại cho hai đứa con: “Mẹ không sao, vài ngày nữa ra viện”. Hai đứa nghe chị thông báo tình hình sức khỏe thì yên tâm. Các cháu học bài tốt và thi cuối năm đều đạt điểm cao.

Do bị COVID-19 nên bệnh viện chỉ cho một người nhà vào chăm. Người nhà không được phép đi ra khỏi cổng bệnh viện, nên chị báo cơm ở khoa dinh dưỡng. Tuy cơm không hợp khẩu vị bằng ở nhà, nhưng bữa nào chị cũng cố gắng ăn đầy đủ, uống thuốc bệnh, thuốc bổ, lại lạc quan. Chị đọc báo hàng ngày. Nói chuyện với bạn qua facebook, rồi tập thể dục, đi bộ nhẹ ở hành lang phòng bệnh,  nên sức khỏe chị cải thiện nhiều.

Bệnh nhân bị ung thư các phòng bên cạnh được chị động viên, nhìn vào cách sống của chị họ cũng lạc quan, vui vẻ hơn. Bệnh nhân ở giường đối diện, mổ trước chị ba ngày, còn trẻ, mới 31 tuổi, bị cắt bỏ một bên vú nên rất sốc. Ngày nào cũng khóc. Cơm thì chồng đút cho từng thìa. Suốt ngày nằm quay mặt vào tường, không muốn nói chuyện với ai, nhưng được chị động viên, tư vấn về việc tự chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ung thư vú nên chị này đã thay đổi suy nghĩ. Vui lên nhiều, tự ăn cơm, uống thuốc bổ và rèn luyện thân thể ngay tại phòng bệnh.

Chị như tấm gương sáng của bệnh nhân ung thư vú ở bệnh viện. Bác sĩ điều trị nhận xét: “Đây là bệnh nhân đặc biệt. Đặc biệt vì vết mổ không đau. Đặc biệt về tinh thần lạc quan, yêu đời khi bạo bệnh. Trường hợp này không phải nhiều. Tôi mong tất cả các bệnh nhân ung thư đều lạc quan, hiểu biết như bệnh nhân này thì sẽ luôn chiến thắng bệnh tật. Những người như vậy, cuộc sống sẽ kéo dài hơn”.

Tôi biết chị không bị đau sau vết mổ là có nhiều nguyên nhân. Quan trọng là chị đầy nghị lực, vượt lên nỗi đau để giành lấy sự sống trước bạo bệnh.

Đinh Hoàng Xuân Hồng