(Nguồn: coinmarketcap.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 bắt đầu nhóm họp vào ngày 4/6, tại London, Anh và kéo dài trong hai ngày.

Vấn đề cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu là một trong những trọng tâm chính tại các cuộc thảo luận của Hội nghị và nếu được G7 ủng hộ, sẽ có tác động to lớn đến hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu trong hơn một thế kỷ qua.

Các cuộc đàm phán để cải cách hệ thống thuế toàn cầu đã được tiến hành kể từ sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, với cuộc đàm phán mới nhất diễn ra giữa 135 quốc gia tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ở Paris.

Có nhiều hy vọng rằng sự ủng hộ từ Bộ trưởng Tài chính G7 sẽ thúc đẩy sự ủng hộ rộng rãi hơn tại cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính G20 tại Italy vào tháng tới. Mục đích là để đạt được một thỏa thuận vào tháng 10 năm nay tại Paris.

Hiện có hai trụ cột chính trong kế hoạch chi tiết về cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu đang được các Bộ trưởng Tài chính G7 thương lượng.

Trụ cột thứ nhất, các quốc gia sẽ được quyền đánh thuế mới đối với một phần lợi nhuận được tạo ra trong phạm vi quyền hạn của mình đối với một công ty đa quốc gia có trụ sở ở nước ngoài nhưng có hoạt động kinh doanh tại quốc gia đó.

Nghĩa là, thuế sẽ được đánh vào nguồn doanh thu của công ty, chẳng hạn như quần áo hay dịch vụ kỹ thuật số, bất kể vị trí thực tế của công ty.

Trụ cột thứ hai, một mức thuế công ty tối thiểu sẽ được các quốc gia áp dụng đối với lợi nhuận ở nước ngoài của các công ty lớn có trụ sở chính tại khu vực tài phán của họ.

Tỷ lệ tối thiểu sẽ chỉ áp dụng cho các công ty đa quốc gia có doanh thu trên một ngưỡng nhất định, các chi tiết cụ thể này sẽ là trọng tâm của các cuộc đàm phán tại Hội nghị. Thuế sẽ được trả cho quốc gia nơi công ty mẹ của công ty đa quốc gia đặt trụ sở.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất tỷ lệ tối thiểu là 21%, nhưng sau đó đã giảm xuống còn 15% để giành được sự ủng hộ đối với các cải cách từ các nước khác.

Có khoảng 100 tập đoàn đa quốc gia sẽ nằm trong phạm vi của trụ cột thứ nhất theo như đề xuất của Mỹ. Mặc dù Mỹ chưa công bố danh sách các công ty này, nhưng các chuyên gia thuế tin rằng khoảng một nửa số bị ảnh hưởng sẽ là các tập đoàn Mỹ, bao gồm khoảng 8 tập đoàn công nghệ kỹ thuật số.

Các kế hoạch về một mức thuế tối thiểu của tập đoàn toàn cầu, theo trụ cột hai, sẽ áp dụng đối với khoảng 8.000 công ty đa quốc gia.

Theo phân tích của Cơ quan Giám sát thuế EU, các công ty bị buộc phải trả nhiều thuế hơn sẽ bao gồm các tập đoàn dầu mỏ khổng lồ như Tập đoàn BP, Shell, Iberdrola và Repsol, Tập đoàn khai thác mỏ Anglo American, công ty viễn thông BT, và các ngân hàng như HSBC, Barclays và Santander.

Tháng 10 năm ngoái, OECD đã ước tính rằng khoảng 81 tỷ USD thu nhập từ thuế bổ sung mỗi năm sẽ được tăng lên sau khi cải cách. Trụ cột thứ nhất sẽ mang lại từ 5 tỷ USD đến 12 tỷ USD, trong khi trụ cột thứ hai, với việc áp dụng tỷ lệ tối thiểu toàn cầu giả định là 12,5%, sẽ thu về từ 42 tỷ USD đến 70 tỷ USD. Nhóm vận động Mạng lưới Tư pháp Thuế ước tính rằng mức thuế suất tối thiểu 21% sẽ mang lại 640 tỷ USD tiền thuế chưa thanh toán.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 sẽ tập trung thảo luận về phạm vi của các quy tắc mới để quyết định những công ty nào sẽ được áp dụng và các ngưỡng để xác định phần lợi nhuận nào phải chịu thuế, đồng thời xác định tỷ lệ tối thiểu đối với thuế doanh nghiệp./.

Theo Vietnam+