Vào ban đêm, đa số các cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo đều đóng cửa, không kinh doanh

Chưa chú trọng ban đêm

Anh bạn của tôi đi mua bộ bàn học cho đứa con gái năm nay vào lớp đầu cấp. Thời tiết Thừa Thiên Huế những ngày qua nắng nóng, đi ra đường để mua sắm một vật dụng đòi hỏi tỉ mỉ vào buổi trưa, thời điểm sau khi kết thúc công việc quả là một “cực hình”. Vì thế, anh quyết định chiều tối, khi thời tiết đã dịu mát rồi đi. Nhưng khi đến những cửa hàng bán nội thất có thương hiệu ở đường Hà Nội, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Huệ vào thời điểm chiều tối đa số đã đóng cửa.

Lúc này còn một cửa hàng trên đường Bà Triệu mở cửa. Chọn được một bộ bàn học khá ưng ý, nhưng để tối ưu nhất, anh bạn tìm đến một cửa hàng khác ở đường Lý Thái Tổ còn mở cửa. Sau khi lựa chọn kỹ lưỡng, bộ bàn học ở cửa hàng đường Bà Triệu là phù hợp nhất, nên anh quay lại. Khi đến nơi là đúng 7h tối, cửa đã hàng đóng cửa, vậy là ngày mai mới có thể quay lại mua bộ bàn học đó.

Đó là một ví dụ cho thấy hoạt động kinh doanh đang có sự chênh lệch giữa ngày và đêm. Sau 6h – 7h tối, thật khó để mua một số mặt hàng tối ưu nhất, như xe đạp, xe máy, các mặt hàng về điện, đồ gia dụng… bởi hầu hết các cửa hàng bán mặt hàng trên đóng cửa sớm. Hay ở những tuyến phố kinh doanh “sầm uất” vào ban ngày như Trần Hưng Đạo, Phan Đăng Lưu, từ chiều tối cũng đồng loạt đóng cửa.

Ban đêm là khoảng thời gian để sử dụng các dịch vụ giải trí, vui chơi, ăn uống... (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát)

Trong khi đó, quan sát tại những siêu thị, hay trung tâm điện máy, ban đêm luôn là khoảng thời gian có số lượng khách hàng và số lượng sản phẩm được tiêu thụ cao nhất. Rõ ràng, nguồn cầu về mua sắm, vui chơi vào ban đêm là có, nhưng về cung chưa cân bằng.

Không chỉ có lĩnh vực kinh doanh phục vụ đời sống người dân, một doanh nghiệp lữ hành chia sẻ, ngay trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhiều cơ sở kinh doanh đóng cửa ban đêm, chỉ hoạt động ban ngày. Có một thương hiệu bánh ướt nổi tiếng ở Huế cũng không phục vụ khách vào ban đêm, dù nhu cầu của khách du lịch là rất nhiều.

Theo TS. Trần Xuân Châu, Bộ môn Kinh tế chính trị Việt Nam, Trường ĐH Kinh tế Huế, kinh tế ban đêm có vai trò không kém kinh tế ban ngày. Kinh tế ban ngày thiên về sản xuất, còn ban đêm lại hướng về dịch vụ, ăn uống, tiêu dùng. Ban đêm được xem là khoảng thời gian thích hợp nhất để mua sắm và sử dụng các dịch vụ giải trí, giúp nền kinh tế có vòng tuần hoàn tốt. Đối với khách du lịch, ban ngày chủ yếu dành cho đi tham quan, thăm thú, ban đêm mới dành cho các dịch vụ mua sắm, giải trí, ăn uống.

Cần thời gian và có chiến lược

Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, phải khẳng định tư duy làm kinh tế đêm ở Huế là có, nhưng chỉ ở một số bộ phận đơn lẻ. Để thay đổi cần có thời gian và chiến lược cụ thể. Trước tiên là thay đổi nhận thức từ các doanh nghiệp, bởi đây là những người tiên phong, đảm bảo được tính liên tục và chuyên nghiệp của dịch vụ. Sau đó mới đến các hộ kinh doanh cá thể và sau đó nữa là các hộ dân chưa tham gia cũng có thể tính đến phương án hoạt động trong tương lai. Ngược lại, phía Nhà nước cũng cần có những cam kết, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đảm bảo sự kinh doanh lâu dài, tránh đầu tư chưa hoàn vốn lại phải dừng hoạt động. Những kế hoạch, quy hoạch cụm điểm phát triển cần công khai, như cách để tạo tâm lý sẵn sàng cho doanh nghiệp và người dân.

TS. Trần Xuân Châu cho biết, theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam, 6h - 10h đêm là khoảng thời gian có mức chi tiêu cao nhất so với các mốc thời gian khác trong ngày. Đúng là thói quen lẫn tư duy làm kinh tế ở Huế chủ yếu tập trung vào ban ngày, chưa chú trọng nhiều vào ban đêm. Điều này không thể trách ai vì đó là phong cách sống của người Huế. Và ở một góc độ tiếp cận khác, nếp sống đó trở thành đặc trưng riêng biệt. Do đó, cần quy hoạch điểm, xác định những vị trí phù hợp để phát triển. Những tuyến đường trung tâm, kinh doanh sôi động nên khuyến khích tất cả người dân tham gia. Còn những không gian đậm văn hóa cần được gìn giữ.

Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Mục tiêu của đề án là khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Đề án cho phép Huế và một số địa phương thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm từ 5h chiều ngày hôm trước đến 6h sáng hôm sau.

Để có những bước đi cụ thể, TP. Huế cũng vừa ban hành kế hoạch phát triển kinh tế đêm đến năm 2025 tầm nhìn đến 2030. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và khả năng phát triển kinh tế ban đêm, TP. Huế xác định hình thành một số sản phẩm du lịch, dịch vụ ban đêm và khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững các sản phẩm, dịch vụ.

Một điều nhận thấy, các dịch vụ, sản phẩm chủ yếu tập trung vào khách du lịch. Một thành phố sôi động hoạt động về đêm là có sự tổng hóa, kết hợp nhiều thành tố, thành phần, đa dạng dòng khách. Vì thế, trong kế hoạch thúc đẩy kinh tế ban đêm ở Thừa Thiên Huế, người dân cần tham gia mạnh mẽ hơn, có tư duy làm kinh tế, trở thành chủ thể.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG