Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V cho người dân tại Moskva, Nga. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định đến nay, ngoài Nga không có bất cứ quốc gia nào giúp các nước khác triển khai sản xuất vaccine ở trên lãnh thổ của họ.

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng giao cho các cơ quan chức năng Nga sớm triển khai việc tiêm vaccine có thu phí đối với người nước ngoài tại Nga, đặc biệt là số đông các chuyên gia, công nhân nước ngoài đang làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, dịch vụ nhà ở và các dịch vụ cộng đồng khác.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng vaccine Sputnik-V của Nga có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa COVID-19 và đang nhận được sự quan tâm từ giới doanh nhân, lãnh đạo các tập đoàn lớn ở châu Âu, họ sẵn sàng đến Nga để tiêm vaccine.

Ông chỉ rõ: “Ngành công nghiệp dược phẩm trong nước đã sẵn sàng để tăng cường sản xuất vaccine nhiều hơn nữa, tức là chúng ta không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của chính mình mà còn có thể tạo cơ hội cho công dân nước ngoài đến Nga và tiêm chủng tại đây."

Trước đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov chiều 3/6 cho biết Moskva sẽ thảo luận việc hợp tác sản xuất vaccine Sputnik-V tại Việt Nam.

Phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn phát biểu với báo giới của ông Peskov cho biết phía Nga sẽ tiếp xúc với đối tác Việt Nam để thảo luận về hợp tác sản xuất vaccine Sputnik-V tại Việt Nam.

Ông nói: “Tôi tin rằng các cuộc tiếp xúc với phía Việt Nam sẽ được thực hiện để thảo luận triển vọng sản xuất vaccine.”

Theo người phát ngôn Điện Kremlin, vấn đề này đã được đề cập trong thông điệp của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới St. Petersburg ngày 4/6, Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF), ông Kirill Dmitriev cho biết đã báo cáo lên Tổng thống Putin danh sách các nước bày tỏ mong muốn sản xuất vaccine của Nga.

Theo ông, hiện có 20 nhà sản xuất của 14 quốc gia, trong đó có Việt Nam, muốn hợp tác sản xuất vaccine của Nga.

Ông Dmitriev nói: “Chúng ta đang thấy nhiều thỏa thuận quan trọng đã đạt được về việc sản xuất vaccine [Sputnik-V]. Ngày càng có nhiều quốc gia thể hiện sự quan tâm, mới đây nhất Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn sản xuất loại vaccine này.”

Quan chức RDIF nhận định tình hình đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp là do sự biến chủng khó lường của virus SAR-CoV-2.

Tuy nhiên, các phân tích của giới chuyên gia quốc tế cho thấy vaccine của Nga an toàn và hiệu quả cao nhất.

Trong một diễn biến liên quan, nhà sản xuất dược phẩm Hàn Quốc Hankook Korus Pharm, công ty con của Tập đoàn GL Rapha, đã dự báo nhu cầu toàn cầu đối với vaccine của Nga sẽ tăng vọt sau khi có thông tin về thỏa thuận giữa RDIF và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) về việc cung cấp 110 triệu liều vaccine.

Trước đó, Nga và Hàn Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác sản xuất mỗi năm 150 triệu liều vaccine Sputnik-V. Hiện RDIF và GL Rapha đang đàm phán để tăng sản lượng vaccine Sputnik-V ở Hàn Quốc.

Nhà sản xuất dược phẩm Hàn Quốc cho biết tiềm năng sản xuất của họ vẫn rất lớn, có thể đạt tới 100 triệu liều/tháng.

Tháng 12/2020, Belarus là quốc gia nước ngoài đầu tiên đăng ký vaccine Sputnik-V hai thành phần. Sau đó, việc sản xuất vaccine của Nga được tiến hành trên lãnh thổ của nước cộng hòa này, giúp Minsk từng bước đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Theo TTXVN/Vietnam+