Lại nhớ về năm qua, ngoài dịch giã hoành hành thì thiên tai cũng vô cùng dữ dội. Bao nhiêu công gây dựng bỗng chốc hóa hư hao. Mùa lụt thật lâu của năm ngoái ngâm thối vườn chuối của mạ, nên năm nay nhường đất lại cho những cây bí đỏ. Bí bấu vào đất, vào mớ bùn non để che kín cả khoảnh vườn mà không cần tới một hạt phân nào rải xuống. Chỉ một thời gian ngắn sau, bí cho đọt non để xào, trái non để nấu canh. Nhìn đám màu xanh trước mắt, trong tôi nảy nở về bao điều tốt đẹp. Lại giống mấy mệ già ở quê lẩm bẩm bảo rằng “năm ni trời thương”.

Nghe “trời thương” là bao nhiêu điều lành đang đợi để át đi nỗi sợ triền miên về nắng, gió, bão, lụt xứ miền Trung. Mà mừng nhất có lẽ là người làm nông. “Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Nên bao nhiêu nỗi lo lắng bỗng tan biến đi khi cái sự “trời thương” lộ rõ. Như mảnh vườn của mạ, từ vạt ớt, luống đậu, giàn mướp đắng hay cả mấy cây cà chua mọc dại, chúng cứ chi chít trái mà chẳng cần chăm bón gì nhiều.

Mà khi trời đã thương thì ban đều lên tất cả. Dạo một vòng quanh làng mới thấy điều này hiện lên mồn một. Mảnh vườn nào cũng xanh um, cây cối mập mạp. Đôi cây mướp ngọt thả vội nơi hàng rào, rứa mà cũng sum suê. Vạt bắp gieo lưa thưa mà dày hạt bất ngờ. Con người với trời đất đồng điệu trong giây phút này. Trời thương người và người cũng thương lấy người.

Người quê sống bằng tình cảm, bằng những quan tâm giản đơn, mộc mạc. Cứ mỗi lần đi xa trở về mới thấy cảnh quê thương, người quê thân. Ngồi xuống mâm cơm là ríu ra ríu rít. Người gắp món này, người kia mời món nọ. Cứ thế, bữa ăn làm khách mà đong đầy như có mạ, có cha.

Tôi vẫn nghĩ, trong mỗi con người luôn có một điều lành mang theo. Năm khó thì ngọn rau cũng hiếm, sự san sẻ đôi khi thưa dần, đôi khi lẩn khuất đi đâu đó trong nỗi lo cơm áo. Và mỗi lần trời thương trở mình như năm nay, lòng tốt của con người cũng được tưới tắm, nảy nở, như cây xanh trong vườn, hoa quả chi chít trên cây. Lứa bắp đầu mùa, dì hàng xóm cắt tỉa gọn gàng, rồi luộc, rồi gói trong mớ lá chuối đưa sang. Bắp còn non thì nước luộc lên ngọt vô cùng. Dì lại rót vào cái bình để hàng xóm cùng nhau thưởng thức món quà của trời đất. Mạ tôi cũng vậy. Vạt bí “nhung nhúc” trái, mạ lại biếu người này một ít, người kia một ít. Sống trong cái thú nhà quê đôi khi quên mất thị trường, giá cả - vốn không hề biết ngừng biết nghỉ. “Bởi cho đi là còn mãi” – mạ tôi thường nói vậy.

Mấy ngày gần đây, dịch giã lại về. Con người dù nông thôn hay thành thị cũng dâng lên nỗi bất an. Những ca nhiễm, những con số, những F0, F1 cứ xôn xao và xáo trộn đủ điều.

Một ngày như mọi ngày, mặt trời lên và chúng ta thức giấc. Nhưng không phải ánh sáng mặt trời ngày nào cũng giống nhau, điều chúng ta thấy mỗi ngày đều y hệt. Có mới và có cũ, có vui và có buồn, có tĩnh lặng có hân hoan. Bởi vậy, biết những gì mình đang có là cách êm đềm nhất để sống vui mỗi ngày. Chào những ngày mới bằng những gì đang hiện hữu xung quanh như sương sớm nay, trái cà chua chín mọng trong vườn và cả rất nhiều nỗ lực của đất nước trong trận chiến với dịch. Để chúng ta tin hơn vào những điều tốt đẹp phía trước, như “năm ni trời thương” mà con người cảm nhận được.

YÊN THƯỜNG