Châu Á - Thái Bình Dương chạy đua phát triển, sản xuất vaccine COVID-19 “nhà trồng”. Ảnh minh họa: Ảnh chụp màn hình Reuters/Thanh Niên

Theo đó, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam đều đang đặt cược nhiều vào các ứng cử viên vaccine được phát triển trong nước sau khi vật lộn để đảm bảo nguồn cung từ nước ngoài. Các nhà chức trách và giới chuyên gia khoa học coi cách tiếp cận này là một khoản đầu tư dài hạn.

Cụ thể, nhiều chuyên gia cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ tồn tại vô thời hạn. Điều này có nghĩa là sẽ xuất hiện của các biến thể kháng vaccine hiện có, đồng thời cũng nêu bật nhu cầu tăng cường tiêm vaccine để duy trì khả năng miễn dịch trong nhiều năm tới. Khi nguồn cung vượt quá nhu cầu trong nước, các quốc gia đã và đang phát triển vaccine riêng của mình để có thể hỗ trợ cho nhu cầu tiêm chủng vaccine ở các quốc gia nghèo hơn, tạo cơ hội cho ngoại giao vaccine.

Ở Nhật Bản, có ít nhất 4 hãng dược bao gồm Daiichi Sankyo có trụ sở tại Tokyo và Shionogi Pharmaceutical có trụ sở tại Osaka đã thực hiện các thử nghiệm giai đoạn 1, hoặc giai đoạn 2 cho một số ứng cử viên vaccine dựa trên cả RNA thông tin (mRNA) và công nghệ vaccine bất hoạt truyền thống.

Ken Ishii, Giám đốc Trung tâm Phát triển Vaccine Quốc tế tại Tokyo dự đoán 1 trong 2 loại vaccine do Nhật Bản tự sản xuất có thể sẽ được đưa vào sử dụng ở nước này vào nửa cuối năm 2022.

Mặc dù vaccine sản xuất trong nước sẽ không giúp Nhật Bản đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong năm nay, nhưng Giám đốc Ken Ishii cho biết các nước vẫn nên tự sản xuất vaccine để bảo vệ hệ thống y tế và nền kinh tế nước nhà, đồng thời mở rộng kho vũ khí ngoại giao và quyền lực mềm.

“Kế hoạch này sẽ tạo nên sự khác biệt nếu vaccine ngừa COVID-19 trở thành một loại vaccine “theo mùa” như vaccine dành do bệnh cúm”, Giám đốc Ken Ishii cho biết.

Cũng theo ông Ken Ishii, các quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan và Hàn Quốc hoàn toàn có thể tự phát triển vaccine, miễn là các nước này tiến hành đúng các thử nghiệm lâm sàng, theo dõi những người tham gia thử nghiệm về tác dụng phụ và hiệu quả điều trị.

Ở Hàn Quốc, nơi khoảng 14% người dân đã được nhận được mũi tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên, ít nhất 5 công ty địa phương đang nỗ lực nghiên cứu và phát triển vaccine của riêng mình, với các ứng cử viên từ Genexine và SK Bioscience hiện đang trải qua các thử nghiệm giai đoạn 2.

Vào tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Kwon Deok-cheol cho biết, 1 trong 2 loại vaccine sẽ được phê duyệt sử dụng vào cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022. Cũng trong tháng 4, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc Choi Ki-young bày tỏ ông hoàn toàn tin tưởng rằng loại vaccine COVID-19 mà nước này tự nghiên cứu và phát triển, cũng như sản xuất sẽ có sẵn trước cuối năm 2021. Các quan chức Seoul cũng hy vọng nước này sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng vào tháng 11 tới.

Được biết, chính phủ Hàn Quốc đã đặt mục tiêu tự cung cấp vaccine vào năm 2025 và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, R&D và đầu tư thúc đẩy năng lực trong những năm qua.

Không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia đều đang đầu tư vào các loại vaccine tự sản xuất trong nước.

Tại Thái Lan, nơi có ít hơn 5% dân số đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Chulalongkorn của Bangkok có kế hoạch trong tháng này sẽ tiến hành thử nghiệm giai đoạn 1 với vaccine mRNA đầu tiên của đất nước, vaccine ChulaCov19.

Kiat Ruxrungtham, người lãnh đạo việc phát triển vaccine của Đại học Chulalongkorn cho biết, vaccine có thể sẵn sàng để đưa vào sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2022. Nhóm các nhà nghiên cứu đã và đang lên kế hoạch phát triển vaccine như một chất tăng cường chống lại các biến thể mới nổi sau khi hầu hết người dân Thái Lan đã được tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca và Sinovac thế hệ đầu tiên.

Ông Kiat Ruxrungtham cho biết: “Vaccine mới sẽ không cạnh tranh với vaccine thế hệ đầu tiên. Tôi nghĩ đối với chúng tôi, điều quan trọng nhất là nhìn vào tính bền vững và lâu dài”. Thái Lan cũng có thể trở thành nước xuất khẩu vaccine sang các nước kém phát triển hơn trong khu vực như Campuchia và Lào...

Cũng trong dòng tin cập nhật về đại dịch COVID-19 và vaccine COVID-19, 100 cựu tổng thống, thủ tướng và bộ trưởng ngoại giao các nước đã kêu gọi Nhóm 7 nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới (G7) chi trả cho nỗ lực tiêm chủng vaccine trên toàn cầu nhằm giúp ngăn chặn quá trình đột biến và sự trở lại của virus - mối đe dọa cho toàn thế giới.

Trong bức thư gửi nhóm G7, các cựu lãnh đạo thế giới cho biết, hợp tác toàn cầu đã thất bại vào năm 2020, nhưng năm 2021 có thể sẽ mở ra một kỷ nguyên mới.

“Sự hỗ trợ từ G7 và G20 giúp vaccine dễ dàng tiếp cận với các nước thu nhập trung bình và thấp không phải là một hành động từ thiện, mà đây là vì lợi ích chiến lược của các quốc gia”, nội dung thư của các cựu lãnh đạo cho hay.

Trong số những người đã ký tên vào bức thư kêu gọi này, có thể kể đến là Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown và Tony Blair, Cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và 15 cựu lãnh đạo của châu Phi.

Đan Lê (Lược dịch từ SCMP & CNA)