Trồng ớt ở Vinh Xuân cho thu nhập 150 triệu đồng/ha

Chủ động chuyển đổi

Ông Trần Văn Thí ở xã Quảng Công (Quảng Điền) cho biết, 5 sào lúa của gia đình nằm ở khu vực gần cầu Tam Giang không chủ động nguồn nước tưới, thường bị thiếu nước vào cuối vụ đông xuân; đến vụ hè thu là các diện tích lúa này bị khô hạn.

Vụ hè thu này, ông Thí chuyển đổi sang trồng một số loại cây phù hợp, có thể chịu hạn. Trong số các loại cây trồng ngắn ngày, ông chọn dưa, khoai lang và ớt... từng trồng có hiệu quả ở những vùng khô hạn trên địa bàn xã Quảng Công.

Chủ tịch UBND xã Quảng Công, ông Nguyễn Hữu Truyền chia sẻ, Quảng Công là một trong những địa phương ven biển, đầm phá thường bị khô hạn, nhiễm mặn trong vụ lúa hè thu. Nhiều vụ hè thu qua, địa phương đã chuyển đổi hàng chục ha lúa sang trồng các loại cây phù hợp. Vụ hè thu này, dự báo diễn biến thời tiết phức tạp, hạn hán gay gắt nên xã tiếp tục chuyển đổi thêm một số diện tích lúa sang trồng dưa, ớt, khoai lang đỏ…

Ông Ngô Văn Dinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, sau các trận bão, lũ cuối năm trước đến nay, huyện Quảng Điền tập trung sửa chữa, khắc phục hệ thống kênh mương, thủy lợi phục vụ sản xuất. Những ngày đầu vụ hè thu, các địa phương, hợp tác xã (HTX) huy động Nhân dân nạo vét kênh mương, cống rãnh đảm bảo cấp nước cho vụ hè thu khi gặp khô hạn.

Dự kiến vụ hè thu này, huyện Quảng Điền chuyển đổi khoảng 500 ha lúa sang trồng ngô, đậu lạc, khoai lang, ớt, dưa hấu, đậu bắp…, tập trung ở các xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Công, Quảng Ngạn… Đồng thời, ngành nông nghiệp vận động, hướng dẫn người dân đưa một số giống lúa chịu mặn, phèn, khô hạn vào sản xuất như HG12; đây là giống lúa mới không chỉ chịu hạn tốt mà còn cho năng suất khá cao, bình quân 60-62 tạ/ha.

Tương tự, diện tích lúa hè thu trên địa bàn huyện Phong Điền thường giảm khoảng 200 ha so với vụ đông xuân là do chuyển sang trồng cây phù hợp, chịu hạn - ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền lý giải. Riêng vụ hè thu năm nay, diện tích lúa chuyển đổi sang trồng các loại cây khác có thể cao hơn, dự kiến khoảng 300 ha, thậm chí cao hơn, tập trung ở các xã vùng gò đồi, vùng cát Phong Hiền, Phong Hòa. Đây là các vùng thường khô hạn, thiếu nước trong vụ hè thu, các loại cây được đưa vào trồng thay lúa chủ yếu khoai lang, ớt, lạc.

Tại vùng khu 3, huyện Phú Lộc đến nay vẫn chưa đầu tư hệ thống thủy lợi tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hầu hết diện tích lúa vụ hè thu trên địa bàn khu vực này đều phụ thuộc vào thời tiết.

Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc cho biết, diện tích lúa tại vùng khu 3 không lớn, trong khi đầu tư hệ thống thủy lợi tại đây có thể lên đến hàng chục tỷ đồng nên sẽ không phát huy hiệu quả. Vì vậy, vào vụ hè thu, nhất là năm nay thời tiết cực đoan, dự báo khô hạn gay gắt nên nhiều diện tích buộc phải chuyển sang trồng dưa, khoai lang, đậu, ớt…

Trồng khoai lang đỏ ở Quảng Công cho thu nhập gấp đôi trồng lúa

Lựa chọn cây trồng cho thu nhập cao

Theo Sở NN&PTNT, dự báo diễn biến thời tiết năm nay phức tạp, khó lường nên ngành nông nghiệp sớm triển khai hướng dẫn khung lịch thời vụ gieo cấy hè thu. Yêu cầu các địa phương, HTX nắm bắt tình hình, rà soát các diện tích có nguy cơ khô hạn, thiếu nước nhằm chuyển đổi cây trồng phù hợp. Trước mắt khuyến khích nhân rộng các loại giống lúa chịu hạn tại các xứ đồng phù hợp, trong điều kiện có thể; nếu xét thấy các diện tích có nguy cơ khô hạn cao thì chuyển đổi sang cây trồng khác với quyết tâm không bỏ ruộng hoang.

Dự kiến vụ hè thu này có khoảng trên dưới 3.000 ha lúa trên địa bàn tỉnh buộc phải chuyển đổi sang cây trồng khác, chủ yếu tập trung ở Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang và một số vùng không chủ động nguồn nước ở hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới. Các loại cây được lựa chọn đưa vào trồng thay thế lúa chủ yếu đậu lạc, khoai lang, ớt, dưa hấu, dưa lê… Các loại cây trồng ngắn ngày này đã được kiểm chứng, hiệu quả trong các vụ hè thu nhiều năm qua. Hầu hết các mô hình đều cho thu nhập từ 100 triệu đồng/ha trở lên, cao gấp rưỡi, gấp đôi so với trồng lúa.

Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân bố trí thời vụ, cơ cấu giống lúa phù hợp nhằm ứng phó hạn hán, lũ lụt. Tùy thuộc vào thời gian sinh trưởng của từng loại giống, thực tế từng vùng đất, các địa phương bố trí gieo cấy lúa đảm bảo trổ tập trung từ ngày 15/7 đến 30/7, phấn đấu thu hoạch xong trước ngày 5/9/2021.

Theo Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng và Vật nuôi tỉnh, ông Đặng Văn Chung, hiện nay, công ty có đủ các loại giống chịu hạn, mặn, trong đó có giống HG12 để cung ứng cho nông dân. Bà con đăng ký mua tại các HTX, hoặc có thể mua trực tiếp tại công ty.

Theo cơ cấu giống lúa vụ hè thu này, các địa phương bố trí chủ yếu nhóm giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, như: Khang Dân, TH5, HT1, HN6, ĐT100 (KH1), N87, N97 (nếp)… Đồng thời, tăng tỷ lệ cơ cấu hợp lý các giống có thời gian sinh trưởng cực ngắn như: TH5, PC6… trên các diện tích gieo cấy muộn để đảm bảo được lịch thời vụ gieo trồng; khuyến khích mở rộng sản xuất một số giống lúa đã được công nhận chính thức có tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm như DT39...

Bài, ảnh: Hoàng Thế