Ảnh minh họa

Giá dầu thế giới tăng cao đang gây áp lực lên giá xăng dầu tại thị trường trong nước. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), giá xăng dầu trong nước bình quân 5 tháng tăng 12,08%, cộng với giá gas tăng 15,32% so với cùng kỳ năm trước là một trong những nguyên nhân chính làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 5 tháng đầu năm 2021.

Theo đó, bình quân 5 tháng đầu năm 2021 lạm phát cơ bản tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,29%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng từ đầu năm đến nay chủ yếu do giá lương thực, giá xăng dầu và giá gas tăng.

Để hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, góp phần bình ổn giá hàng hóa trên thị trường, hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, trong lần điều hành giá gần nhất vào cuối tháng 5, liên Bộ Công thương - Tài chính tiếp tục chi quỹ bình ổn ở mức cao đối với tất cả các loại xăng dầu nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường.

Điều đáng lo ngại là diễn biến giá dầu trên thế giới chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí dự báo sẽ tăng lên ngưỡng 80 USD/thùng vào những tháng tới. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu dầu thô của Viêt Nam hiện đang có chiều hướng giảm mạnh.

Dự báo, trong thời gian tới nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Việt Nam tiếp tục tăng cao để chế biến và sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng. Trong bối cảnh này, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nếu muốn, ngành chức năng có thể kiểm soát được giá xăng dầu trong nước ở mức phù hợp bởi hiện nay, trong cơ cấu giá xăng dầu của Việt Nam, các loại thuế, phí chiếm khoảng 50%-55%.

Khi giá dầu thế giới tăng, Nhà nước có thể cân đối để điều chỉnh lại mức thuế, phí bên cạnh việc sử dụng quỹ bình ổn để giảm giá xăng dầu trong nước, vừa đảm bảo chống lạm phát vừa sát với tình hình thực tế.

Theo SGGP