Khám chữa bệnh cho người dân có thẻ BHYT (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Cùng hợp lực khởi kiện

Quá trình làm việc, những người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động thường xuyên đã bị Công ty CP Đầu tư Xây dựng Giao thông Thủy lợi Thừa Thiên Huế (COXANO) nợ lương, BHXH, BHYT. Chỉ tính riêng BHXH và BHYT, từ tháng 4/2014 đến ngày 30/6/2020, Công ty CP COXANO nợ trên 4 tỷ đồng. NLĐ ở đây đã nhiều lần đề nghị công ty phải trả lương và đóng BHXH, BHYT đầy đủ; đồng thời, có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho mình… Tuy nhiên, phía công ty vẫn không giải quyết, khiến quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

BHXH tỉnh phối hợp với Sở Lao động Thương binh &Xã hội (LĐTB&XH) và Liên đoàn Lao động tỉnh (LĐLĐ) chỉ đạo Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận ủy quyền của NLĐ khởi kiện COXANO. Giữa năm 2020, vụ án tranh chấp gây nhiều chú ý này được đưa ra xét xử. Kết quả, NLĐ thắng kiện khi Tòa án buộc Công ty COXANO phải trả hơn 995 triệu đồng tiền lương cho 27 NLĐ và hơn 1,5 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của 25 người lao động. Một thành công mang ý nghĩa lịch sử.

Còn nhiều câu chuyện xung quanh vấn đề đáng quan tâm này. Phối hợp khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ theo quy định của Điều 14 Luật BHXH là hoạt động quan trọng của BHXH, LĐLĐ và Sở LĐTB&XH trong thực hiện kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật về BHXH. Thời gian qua, 3 đơn vị có sự phối hợp, thống nhất quan điểm, phương án giải quyết khi có đơn thư khiếu tố khiếu nại của NLĐ liên quan đến pháp luật lao động và BHXH. Trước đó, thông qua hoạt động phối hợp có hiệu quả, các vụ tranh chấp ở Công ty CP Cơ khí và công trình xây dựng 878, Công ty CP Quản lý đường bộ và xây dựng công trình Thừa Thiên Huế, Trường phổ thông Huế Star cũng đã được giải quyết kịp thời, tạo dựng được niềm tin ở người lao động.  

Đa dạng & phong phú 

Không dừng lại ở hoạt động mang tính tự phát, LĐLĐ tỉnh, Sở LĐTB&XH và BHXH Thừa Thiên Huế đã có Quy chế phối hợp công tác số 08/QCLN ngày 6/12/2017 về tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa ba đơn vị trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Việc phân công trách nhiệm cho từng cơ quan cũng được cụ thể hóa để tăng cường tính chủ động.

Có thể thấy, Sở LĐTB&XH chủ trì, phối hợp đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định về pháp luật lao động. BHXH tỉnh chủ trì phối hợp tuyên truyền Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị và các quy định khác liên quan đến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. LĐLĐ tỉnh chủ trì phối hợp tuyên truyền Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn đến với người lao động, thúc đẩy hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Năm 2020, vượt qua những khó khăn và thách thức, 3 ngành đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật lao động, việc làm và BHXH nhằm góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH Thừa Thiên Huế, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đã và đang được tổ chức đa dạng, phong phú, như: Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành gần 10 văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật trên địa bàn; tổ chức đối thoại, tập huấn, cung cấp ấn phẩm tuyên truyền; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Việc phối hợp trao đổi thông tin cũng được 3 ngành chú trọng thực hiện, như: Trao đổi báo cáo sơ kết, tổng kết, kết quả phối hợp kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo với các đơn vị có liên quan, góp phần quan trọng vào việc tiếp cận, đôn đốc người sử dụng lao động chấp hành đúng các quy định của Nhà nước.

Nâng cao hiệu quả phối hợp

Cùng với đánh giá cao kết quả đạt được, với điểm nhấn là chỉ đạo Công đoàn ngành NN&PTNT nhận ủy quyền của người lao động khởi kiện COXANO thành công, hội nghị tổng kết năm 2020 tổ chức vào đầu năm nay cũng nhìn nhận, vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác phối hợp liên ngành. Đáng chú ý, việc kiểm tra pháp luật lao động nói chung, Luật BHXH nói riêng và đặc biệt là Luật Công đoàn hàng năm còn ít so. Phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc chưa thường xuyên. Kết quả công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế do nhiều doanh nghiệp sau khi được kiểm tra vẫn chậm hoặc không khắc phục vi phạm. Các chế tài xử lý sau phúc tra chưa mạnh…

Vấn đề đặt ra là tăng cường hơn nữa hiệu quả phối hợp liên ngành. Cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về lao động, việc làm và BHXH; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách về tiền lương, BHXH, BHYT và xây dựng tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp. Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa 3 ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động và chủ sử dụng lao động. Đặc biệt, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong quy chế phối hợp liên ngành giữa BHXH, Sở LĐTB&XH và LĐLĐ tỉnh trong thời gian đến nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác BHXH.

Bài, ảnh: Thu Huế