Do nhu cầu bức bách về xử lý rác, bãi chôn lấp rác Thủy Phương phải gấp rút thi công

Thiếu liên hoàn

Huyện Phong Điền có 15 xã, thị trấn đã thành lập các tổ thu gom rác thải tại thôn, bản. Rác thải sau khi hộ gia đình gom lại được cho vào bao, tập kết phía trước nhà và đúng thời gian quy định, tổ thu gom chuyển đến bãi trung chuyển hoặc bỏ vào thùng rác, sau đó được đơn vị dịch vụ thu gom rác thải vận chuyển đến bãi xử lý chôn lấp rác Phong Thu hoặc lò đốt rác Điền Hải để xử lý.

Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Điền, tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý trên địa bàn huyện trong những năm qua đều đạt trên 95% trong tổng lượng rác phát sinh gần 40 tấn/ngày. Tuy nhiên, việc bố trí một số bãi trung chuyển rác ở các xã, thị trấn chưa hợp lý và tần suất thu gom cách nhật hoặc không thường xuyên, nên đã phát sinh tình trạng ô nhiễm rác cục bộ ở một số chợ, khu dân cư tập trung như: ở vùng Ngũ Điền, các xã nằm xa trung tâm. Hơn nữa, có một số địa phương không hợp đồng với đơn vị dịch vụ môi trường để vận chuyển hết lượng rác thải sinh hoạt mà tự xử lý bằng chôn lấp hoặc đốt gây mất vệ sinh môi trường tại cơ sở.

Phương tiện, đội ngũ thu gom rác thải một số địa phương cơ bản đáp ứng phục vụ nhưng khâu xử lý rác lại gặp khó khăn

Tại huyện Phú Vang, hiện đã có 100% xã, thị trấn đều đã tổ chức thu gom, xử lý rác thải và thu phí thường xuyên. Tỷ lệ rác thải được thu gom đạt trên 85%. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của Phú Vang là khâu vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt do địa bàn cách xa bãi xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh của tỉnh. Để giải quyết khó khăn này, tạm thời, một số địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện Phú Vang triển khai một số mô hình xử lý tại chỗ, như: chôn, đốt để hạn chế lượng rác vận chuyển, rác tồn đọng. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế và có nguy cơ cao gây ô nhiễm.

Không chỉ huyện Phong Điền, Phú Vang đang gặp lúng túng, khó khăn trong xử lý rác thải mà hầu như ở các vùng nông thôn của Phú Lộc, TX. Hương Trà, Quảng Điền... và nhất là khu vực đầm phá, vùng gò đồi vẫn còn tình trạng rác tồn lưu, gây nhếch nhác, ô nhiễm trong khu dân cư, nguồn nước.

Tuy tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt ở các địa phương đều đạt cao trong những năm gần đây, song chỉ mới tập trung ở các thị trấn, thị tứ, khu vực dân cư tập trung. Bên cạnh đó, dù tăng tỷ lệ thu gom, nhưng khâu xử lý rác hiện vẫn còn nhiều bất cập. Những địa phương có bãi xử lý rác tại chỗ thì lại đang phát sinh ô nhiễm cục bộ do khâu vận hành không đảm bảo, quá tải như: huyện Phong Điền, Quảng Điền, TX. Hương Trà. Những địa phương phải vận chuyển lên bãi xử lý tập trung của tỉnh như: Phú Lộc, Phú Vang thì quãng đường vận chuyển xa, tần suất thu gom vận chuyển không thường xuyên, nên dễ phát sinh mùi hôi, dịch bệnh...

Cần những giải pháp kỹ thuật đồng bộ

Qua thực hiện đề án thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh đến năm 2020 được triển khai quyết liệt đã tạo bước chuyển lớn trong toàn xã hội và đã hình thành mạng lưới thu gom tại các đô thị, khu vực trung tâm huyện, xã, nhất là dọc tuyến Quốc lộ 1A, các tuyến tỉnh lộ, khu vực dân cư tập trung. Hầu như ở các huyện, thị xã vùng đồng bằng và TP. Huế đều có tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt khu vực đô thị đạt trên 95% và khu vực nông thôn đạt trên 85%.

Rác thải sinh hoạt vẫn đang là vấn nạn ở nhiều địa phương

Do quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số và ý thức xả thải “vô lối” của người dân chậm cải thiện, nên dù các địa phương, đơn vị dịch vụ môi trường làm tốt công tác thu gom vẫn không theo kịp và đáp ứng xử lý rác kịp thời, triệt để. Để đảm bảo môi trường, ngoài vận hành có hiệu suất các tổ, đội thu gom và đơn vị chuyên trách về môi trường, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn để hạn chế lượng rác cần thu gom, vận chuyển và hạn chế tình trạng rác lưu cữu gây ô nhiễm cục bộ.

Bên cạnh đó, để tạo sự liên hoàn từ khâu thu gom, vận chuyển đến khâu xử lý rác thải sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường cần có phương tiện, trang thiết bị thu gom, vận chuyển chuyên dụng và quan trọng hơn cả là hạ tầng khu xử lý rác thải, quá trình vận hành tuân thủ đúng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Để giải quyết lượng rác phát sinh mỗi ngày trên toàn tỉnh hơn 630 tấn và sẽ tăng lên trong thời gian tới, theo quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã đưa ra cấp độ ưu tiên của từng dự án.

Dự án ưu tiên thứ nhất đó là thúc đẩy sản xuất phân hữu cơ tại cộng đồng khu vực nông thôn. Dự án ưu tiên thứ hai, thứ ba là thúc đẩy 3R (tái chế- tái sử dụng- giảm thiểu) thông qua các hoạt động phân loại rác tại nguồn. Dự án ưu tiên thứ tư là tập trung đầu tư nguồn lực để hình thành nhà máy xử lý rác tại phía nam ở xã Phú Sơn (TX. Hương Thủy) và khu xử lý chất thải rắn khu vực phía bắc ở xã Hương Bình (TX. Hương Trà).

Một khi thực hiện đồng bộ và liên hoàn hợp phần các dự án trên, rác thải trên địa bàn sẽ không còn là bài toán nan giải.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG