Rời khu cách ly, người dân luôn trân quý những người lính. Ảnh: THANH THẢO

Vừa phục vụ, vừa cảm hóa

“Lần này, về nhà em sẽ đi kiếm việc làm và cuối năm nhất định em sẽ đăng ký xin đi nghĩa vụ quân sự, nếu được trúng tuyển em sẽ lại được làm lính như các anh”,  đó là lời tâm sự rất thật của N.H.T. (phường An Tây, TP. Huế) sau khi hoàn thành cách ly.

N.H.T. sau khi vào Đà Nẵng, thì “gặp” dịch nên quay ngược về Huế. Vậy là T. phải đi cách ly tập trung 21 ngày theo quy định tại khu cách ly T3 (Phú Thượng, Phú Vang). Mới đầu, khi vào khu cách ly, do gò bó, nên T. không chịu hợp tác, thỉnh thoảng lấy lý do cần cái này, các kia để làm khó đội ngũ phục vụ. Nhưng với phương châm, “lạt mềm buộc chặt’, đội ngũ phục vụ tại khu cách ly đã dần cảm hóa được T.

Các công dân bịn rịn chia tay đội ngũ phục vụ trong ngày hoàn thành cách ly tập trung

Ngày trao giấy chứng nhận hoàn thành cách ly, biết N.Đ.N. (quê Đồng Hới, Quảng Bình) không có tiền để về quê, đội ngũ phục vụ Khung T3 đã góp gần 1 triệu đồng cùng lời nhắn nhủ, để N. có điều kiện trở về nhà.

Tạm biệt những người lính để lên xe về nhà, N. rơm rớm nước mắt, cùng những lời cảm ơn chân thành đội ngũ phục vụ ở khu cách ly.

“Em cảm ơn các anh, không chỉ đã phục vụ em trong những ngày qua. Mà khi ở đây, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, em thực sự cảm phục những người lính nơi tuyến đầu chống dịch. Có những bạn, còn nhỏ tuổi hơn em mà các bạn đã sống và làm những việc thật ý nghĩa. Ấy vậy mà, thời gian qua em đã sống thật vô ích, và làm nhiều việc khiến ba mẹ buồn lòng…”. N. tâm sự.

Rời khu cách ly, người dân luôn trân quý những người lính

N. cũng là một trong những trường hợp “đặc biệt” tại khu cách ly trong đợt này. Bởi vì chán nản cuộc sống, N. đi theo bạn xấu, rồi lưu lạc khắp nơi, sau đó “dạt” vào Đà Nẵng, rồi ra Huế cách ly tập trung vào đầu tháng 5 vừa qua.

Trung tá Nguyễn Minh Tâm, Khung trưởng, Khung T3 cho biết: Bên cạnh việc phục vụ chu đáo bữa ăn hàng ngày, kiểm tra sức khỏe cho bà con, chúng tôi còn nắm thông tin cá nhân, số điện thoại của công dân, nhất là những công dân cá biệt để có phương án tuyên truyền, vận động chấp hành nghiêm quy định chống dịch. Riêng đối với T. và N, sau khi nắm thông tin, tìm hiểu tính tình và một số thông tin từ địa phương, chúng tôi biết T. và N. thuộc thành phần tương đối “cá biệt” nên phải áp dụng những biện pháp tuyên truyền khác. Hằng ngày, chúng tôi thường xuyên nhắn tin, hỏi thăm tình hình sức khỏe và động viên T. và N. Sau một thời gian, T. và N. cởi mở hơn với chúng tôi. T. và N. cũng không còn ngại tâm sự về hoàn cảnh hiện tại của bản thân. Từ đó, chúng tôi động viên T. và N. sống tích cực hơn, đừng bi quan và nhất là phải kiếm việc làm, không được đi lang thang lêu lổng. Rất may, vào ở khu cách ly khoảng 1 tuần, T. và N. bắt đầu chấp hành nghiêm các quy định về phòng dịch.

Yên tâm cách ly

Dịch bệnh ngày càng phức tạp, số lượng công dân là F1, F2…tham gia cách ly tập trung tại các khung do Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh quản lý tương đối đông. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ lây nhiễm sẽ lớn hơn, áp lực công việc sẽ nhiều hơn, nhất là những bộ đồ bảo hộ kín mít phải luôn được mang trên người khi tiếp xúc với người dân mặc cho thời tiết đang nóng như đổ lửa.

Nhưng không vì thế mà những người lính làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch lơ là với nhiệm vụ của mình. Họ không nề hà khó khăn, nguy cơ nhiễm bệnh, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với người dân lúc khó khăn, nguy cấp.

Ở khu cách ly T4 (Trường Nghiệp vụ thuế) đối tượng đến cách ly người lớn tuổi khá nhiều. Để phục vụ tốt cho công dân trong mùa nắng, nhất là các cụ già, đội ngũ phục vụ đã dành thêm thời gian nấu cháo, tăng cường thêm đồ uống giải nhiệt cho người dân.

“Lúc mới đi cách ly, mệ lo lắm. Sợ ở đây không quen, rồi thời tiết thế này làm sao “nuốt” nổi cơm. Vậy mà bữa nào mệ cũng được ăn chế độ riêng của người lớn tuổi. Ngày thì cơm nhão, ngày thì cháo…, các chú bộ đội lại nấu rất vừa miệng. Ngoài ra, các chú còn đưa thêm sữa chua, sữa… các thứ. Các chú chăm mệ không khác gì con mệ chăm vậy đó. Ở đây gần tháng, mệ béo lên chắc phải gần 2 cân. Giờ mệ được về mà lòng cứ thương các chú bộ đội lắm. Vẫn còn dịch là các chú vẫn còn vất vả. Chẳng có lời cảm ơn nào cho xứng”, mệ Nguyễn Thị Lành (Phú Diên, Phú Vang) bùi ngùi chia sẻ ngày hoàn thành cách ly.

Lo lắng, hoang mang; sợ bị gò bó, thiếu thốn; sợ dịch bệnh; thời gian cách ly kéo dài hơn trước 1 tuần…Đó là tâm lý chung của người dân khi phải đi cách ly tập trung, nhất là đối với những bạn trẻ. Nhưng khi vào khu cách ly, thấy sự vất vả của đội ngũ phục vụ, nhất là nhận được sự quan tâm, từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến việc chăm sóc y tế hàng ngày thì những suy nghĩ đó dần được thay thế bởi sự cảm phục, biết ơn dành cho những người lính nơi tuyến đầu. Người dân không những yên tâm cách ly, mà chính họ đã trở thành những tuyên truyền viên, trong cuộc chiến chống dịch.

“Trong thời gian tham gia cách ly, vừa được đội ngũ phục vụ tuyên truyền, vừa tìm hiểu qua mạng tôi hiểu hơn về dịch bệnh, cách phòng chống. Do đó, ngày nào tôi cũng điện thoại về nhắc nhở bố mẹ không đi đâu nếu không thực sự cần thiết và phải thường xuyên rửa tay, khử khuẩn, đeo khẩu trang khi ra ngoài…”, chị Trần Thị Thanh (đang cách ly tại T4) cho biết.

Chia sẻ về những cống hiến của lực lượng vũ trang trên tuyến đầu chống dịch, Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh khiêm tốn: “Vinh quang của người lính là được chiến đấu và phục vụ vì sự an toàn của Tổ quốc, sự bình yên của Nhân dân. Sức mạnh của quân đội là do Nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc. Những nhiệm vụ khó khăn mà chúng tôi đang làm chính là sự tin tưởng mà Nhân dân đã giao phó. Chính vì thế, chúng tôi vẫn sẽ hết lòng, hết sức, không quản ngại khó khăn để cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân vượt qua đại dịch này. Những lời cảm ơn, những lá thư gửi lại ở khu cách ly chính là động lực, là sự “tiếp sức” quý giá nhất để chúng tôi tiếp tục với sứ mệnh của người lính nơi tuyến đầu chống dịch”.

Bài, ảnh: THANH THẢO