- ThS. LS Nguyễn Văn Phước, Trưởng Văn phòng Luật sư Huế: Theo quy định tại khoản 1, điều 28 Luật BHXH, “Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Lao động nữ mang thai; lao động nữ sinh con; người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi; người lao động đặt vòng tránh thai, thực hiện các biện pháp triệt sản”. Đối với người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi để được hưởng chế độ thai sản như vừa nêu thì phải đảm bảo điều kiện là người lao động đó đóng BHXH từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi (khoản 2, điều 28 Luật BHXH).

Vì chị đã đóng BHXH bốn năm và con nuôi chị nhận nuôi là trẻ sơ sinh dưới bốn tháng tuổi, nên chị thuộc đối tượng được hưởng chế độ thai sản theo quy định nêu trên.
 
Căn cứ vào các quy định của pháp luật, chế độ mà chị được hưởng như sau: Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ bốn tháng tuổi (điều 32 Luật BHXH). Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới bốn tháng tuổi được trợ cấp một lần bằng hai tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con (điều 34 Luật BHXH). Và theo điều 35 Luật BHXH, khi hưởng chế độ thai sản như trên, mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng BHXH. Thời gian này, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.
 
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1, điều 117 Bộ luật Lao động hiện hành, trong thời gian nghỉ việc để nhận trẻ sơ sinh làm con nuôi, lao động nữ được hưởng trợ cấp BHXH hoặc được người sử dụng lao động trả một khoản tiền bằng mức trợ cấp BHXH.
 
 Bùi Vĩnh (ghi)