Dư luận gần đây hẳn vẫn chưa quên những vụ việc đau lòng, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh vốn đạo mạo, đạo cao đức trọng và mô phạm của người thầy giáo, cô giáo và uy tín của nghề dạy học. Đó là hình ảnh thầy giáo tát học trò tới tấp và nói những lời lăng mạ học trò... Đó là chưa kể những hành động không đẹp khác như việc “ép” học trò học thêm đến tối mịt hoặc sáng sớm.

Đã thi vào trường sư phạm nghĩa là sẽ học để trở thành những nhà giáo tương lai - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề “kỹ sư của tâm hồn” - hẳn nhiên điều kiện đầu tiên là thí sinh phải có hạnh kiểm tốt. Vì vậy, yêu cầu phải có hạnh kiểm khá trở lên mà các trường sư phạm đưa ra kể từ mùa tuyển sinh năm tới là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu và điều kiện đầu tiên trước khi bước vào môi trường sư phạm với 4 năm rèn dũa và hoàn thiện cả kiến thức lẫn nhân cách. Tương lai, các trường sư phạm cũng cần tính đến việc đặt ra yêu cầu cao hơn nữa đối với các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường, đó là phải có hạnh kiểm tốt chứ không chỉ là khá. Và không chỉ các trường sư phạm mà có lẽ cả các trường đại học y dược - nơi đào tạo những “lương y như từ mẫu”, trường luật - nơi đào tạo những luật sư bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người,... cũng cần có yêu cầu thí sinh thi vào trường mình phải có hạnh kiểm tốt nhằm hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn.
Ngọc Hà