Viết thư pháp tặng du khách trong chương trình Đại Nội về đêm (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)
Sẽ có 7 phố, chợ đêm
Theo đề án “Hoàn thiện và phát triển các sản phẩm du lịch dịch vụ về đêm của TP. Huế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, ở trung tâm thành phố sẽ hình thành một loạt điểm đến mới vào ban đêm là các phố đêm, chợ đêm, đường đi bộ, không gian ẩm thực.
Bên cạnh những không gian phố đi bộ, đường đi bộ hiện hữu, như Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu kết nối đường đi bộ gỗ lim, hai tuyến đường đi bộ dọc hai bên bờ sông Hương, định hướng sẽ hình thành thêm không gian dịch vụ đêm tại các tuyến đường xung quanh Đại Nội (đường 23/8, Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân, Lê Huân, Hàn Thuyên, Đinh Công Tráng); chợ đêm Đông Ba (tại khu vực Bến xe Đông Ba). Về sau sẽ là những không gian ẩm thực đường Chương Dương, đường Huỳnh Thúc Kháng, đường Bạch Đằng; không gian ẩm thực đường Trương Định; không gian ẩm thực tại công viên Kim Long…
Theo Phòng Kinh tế TP. Huế, trong quá trình triển khai, tùy vào điều kiện thực tiễn, có thể đề xuất thêm các địa điểm, khu vực phát triển ẩm thực đêm phù hợp với quy hoạch. Như thế, không tính hai tuyến đường đi bộ dọc hai bên bờ sông Hương, có ít nhất 7 không gian là phố đêm, chợ đêm, phố ẩm thực ngay trong “vùng lõi” của thành phố. Riêng tuyến phố đi bộ đường 23/8, Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân, Lê Huân, Hàn Thuyên, Đinh Công Tráng và chợ đêm Đông Ba đã có kế hoạch hình thành và dự kiến sẽ khai thác trong khoảng thời gian ngắn nữa.
Nhiều năm qua, dịch vụ đêm ở Huế còn ít, chưa tạo được những điểm nhấn để thu hút khách du lịch. Vì vậy, việc định hướng tạo ra nhiều dịch vụ đêm là cần thiết. Dù thế, trước định hướng hình thành một loạt phố đêm, chợ đêm, phố ẩm thực, dư luận không thể không băn khoăn, đặt ra câu hỏi là trong phạm vi nhỏ của thành phố, với dân số khoảng 650 ngàn người (năm 2020), liệu có “bội thực” phố đêm, chợ đêm, đường đi bộ? Liệu chừng đó điểm đến, sẽ có đủ lượng khách tiềm năng để sử dụng?
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Phó Giám đốc Sở Du lịch phân tích, khi các tuyến phố chưa đi vào hoạt động thì chưa thể đánh giá chính xác liệu có dư thừa, “bội thực” hay không. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, khi xây dựng một sản phẩm mới đòi hỏi phải nghiên cứu thị trường. Lâu nay, cán cân chi tiêu của khách du lịch khi đến Huế chủ yếu vào ban ngày, vì thế, khi làm dịch vụ đêm cần nghiên cứu chi tiêu của khách sau 6h tối là những gì, rồi đánh giá, để có những dịch vụ tương ứng.
Một yếu tố khác được đề cập là khi triển khai sản phẩm mới luôn có sự đánh giá tác động hai chiều về kinh tế, xã hội. Tức là khi hình thành dịch vụ mới, sẽ thay đổi nhịp sống của người dân, có tác động tiêu cực và tích cực đến những hộ dân trong phố đêm. Một yếu tố khác, phố đi bộ, phố đêm phải có đặc trưng của Huế, chứ không thể “na ná” như một số tỉnh, thành phố khác.
Tránh trùng lặp và phải bổ sung cho nhau
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong phát triển điểm đến, phải luôn dựa trên nguyên tắc thị trường, “cần làm ra cái bánh mà khách muốn ăn, chứ không chỉ làm cái bánh mà mình có nguyên liệu”. Đây là chiến lược, có tác động đến nhiều người và phát triển kinh tế nên phải cẩn trọng. Cần giải quyết được câu hỏi, khách phố đêm là ai, nhu cầu là gì, những dịch vụ gì sẽ được khai thác?
Theo kế hoạch, phố đêm Lê Huân sẽ hoạt động cuối tháng 5 này, sau đó nhân lên các tuyến quanh Đại Nội. Tuy nhiên, theo ông Đồng Sĩ Toàn, Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế, khung hoạt động, phân luồng giao thông đã có, nhưng phần hồn là sản phẩm chưa được phù hợp nên UBND TP. Huế yêu cầu phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm một số sản phẩm văn hóa đặc sắc, kết nối với các hoạt động trong Đại Nội.
Trước ý kiến liệu có “bội thực” khi hình thành quá nhiều không gian phố đêm, ông Toàn cho rằng, mỗi nơi sẽ có đặc trưng riêng, phố Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu sẽ là như phố Bùi Viện ở TP. Hồ Chí Minh thiên về phố sôi động, bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Chợ đêm Đông Ba mua bán các mặt hàng đời sống, ăn uống đường phố. Còn quanh Đại Nội hướng đến phục vụ khách du lịch, sản phẩm sẽ thiên về thưởng thức văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Nếu bổ sung tốt cho nhau, các phố đêm sẽ nâng tầm dịch vụ du lịch cho Huế.
Ở góc độ khi thác du lịch, ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc Công ty Du lịch Kết nối Huế cho rằng, nhìn vào “kịch bản” xây dựng các tuyến phố đêm là rất hợp lý. Nhưng với các tuyến đường quanh Đại Nội cần thật kỹ lưỡng, bởi rất dễ rơi vào tình trạng như phố Nguyễn Đình Chiểu trước đó. Nguyên nhân thất bại của Nguyễn Đình Chiểu là sản phẩm, dịch vụ đơn điệu và làm chưa tới. Còn với phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu có người chê, người khen, nhưng với góc độ khai thác du lịch, đó là thành công.
Một “điểm nghẽn” được chỉ ra là xã hội hóa, hợp tác công - tư trong khai thác và thực hiện các kế hoạch của cơ quan quản lý Nhà nước. Theo Sở Du lịch, cách làm ở TP. Đà Nẵng có thể nghiên cứu là trong một không gian phố đêm, hay phố đi bộ, sẽ do một doanh nghiệp điều phối. Sau đó các hộ cá thể, hay doanh nghiệp nhỏ hơn hoạt động, khai thác dịch vụ dựa trên các gian hàng theo hình mẫu, đảm bảo an toàn, môi trường… Khi có trở ngại, cơ quan quản lý cũng dễ xử lý vì có đầu mối. Dĩ nhiên là có cơ chế tốt cho doanh nghiệp khi đầu tư.
Bài, ảnh: Đức Quang