Bể chứa nước chữa cháy rừng ở TP. Huế

Ông Nguyễn Sáng, phường An Tây (TP. Huế) thường đến viếng mộ người thân ở khu nghĩa trang thành phố. Ông Sáng luôn thận trọng, cảnh giác khi thắp nhang, đốt vàng mã. Tuy nhiên, ông lo lắng trước một số người chủ quan khi đốt vàng mã, thắp nhang tại các ngôi mộ.

Những cánh rừng keo tràm trên địa bàn TP. Huế hay các địa phương khác cũng phủ một lớp lá khô khá dày đặc rất dễ cháy. Nhiều năm qua từng xảy ra các vụ cháy rừng keo tràm do người dân chủ quan khi nấu ăn cạnh rừng, đốt thực bì. Đầu mùa nắng nóng năm nay vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng đốt thực bì, nếu không kiểm soát đúng bài bản, theo quy định, nguy cơ dẫn đến cháy rừng.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm (HKL) TP. Huế, ông Lê Viết Ngọc Vinh cảnh báo, nguy cơ cháy rừng thông cảnh quan, đặc dụng trên địa bàn TP. Huế rất cao. Từ đầu mùa nắng nóng đến nay, lực lượng kiểm lâm triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa cháy rừng. Trong số nhiều biện pháp, HKL  TP. Huế chọn “tuần lửa rừng” để sớm phát hiện và dập tắt kịp thời.

Phong Điền chuẩn bị xe máy chữa cháy rừng

Lực lượng kiểm lâm phân công túc trực và “tuần lửa rừng” cả ngày lẫn đêm. Buổi chiều tối được xác định có nguy cơ cháy rừng cao vì thời điểm này, người dân thường đến viếng mộ, thắp nhang, đốt vàng mã. Vậy nên lực lượng kiểm lâm thường chú tâm, tuần tra tại các khu nghĩa trang, lăng mộ cạnh rừng thông, keo tràm. Quá trình tuần tra kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở người dân, các hộ sống cạnh rừng nâng cao ý thức, cùng tham gia phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), có trách nhiệm giám sát, báo kịp thời với cơ quan chức năng khi phát hiện có dấu hiệu cháy rừng.

Nguy cơ cháy rừng thật sự khó lường nên phương án chữa cháy cũng được HKL TP. Huế chuẩn bị sẵn sàng. Ngoài đầu tư xây dựng 6 bể chứa nước, đặt tại các đồi thông được xác định “điểm nóng” nhằm chủ động ứng phó khi xảy ra cháy rừng; các dụng cụ dập lửa, phương tiện, trang thiết bị phục vụ chữa cháy và lực lượng cũng chuẩn bị sẵn sàng.

Chòi canh PCCCR ở Phong Điền

Hạt trưởng HKL huyện Nam Đông, ông Hoàng Văn Chúc nhận định, nhiều cánh rừng keo tràm, rừng tự nhiên trên địa bàn huyện, khu vực đèo La Hy có nguy cơ cháy rất cao, cảnh báo cấp độ nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm. HKL huyện cử lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương, người dân tổ chức tuần tra, giám sát thường xuyên nhằm sớm phát hiện dấu hiệu cháy rừng và có biện pháp dập tắt kịp thời. Từ đầu năm, HKL triển khai sửa chữa, mở thêm đường ranh cản lửa, tổ chức diễn tập phương án PCCCR. Đến thời điểm này, ngoài phòng cháy, các phương án chữa cháy rừng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng.

Không chỉ ở các đồi thông và khu rừng miền núi, gò đồi mà cả những cánh rừng keo tràm trên vùng cát huyện Phong Điền, Quảng Điền cũng rất dễ bốc cháy trong mùa nắng nóng. Hạt trưởng HKL huyện Phong Điền, ông Nguyễn Bá Thạo khẳng định, phương án PCCCR mùa nắng nóng năm nay được triển khai chủ động hơn.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn thông tin, ngay từ những ngày đầu nắng nóng, lãnh đạo tỉnh, ngành kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo phương án PCCCR tại các địa phương. Các địa phương đã sẵn sàng, chủ động hơn trong triển khai các phương án PCCCR; tích cực tổ chức “tuần lửa rừng”, chủ động dự trữ nguồn nước tại những “điểm nóng”, làm đường ranh cản lửa, một số nơi như huyện Phong Điền còn có hệ thống xe máy phun nước đến tận điểm cháy, vào tận những nơi khó khăn nhất có thể để chữa cháy…

So với năm trước, trong khi cùng thời điểm đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng, nhưng năm nay đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy lớn nào. Tuy nhiên, người dân và ngành chức năng không thể chủ quan mà luôn nêu cao cảnh giác, chủ động, tích cực triển khai các biện pháp PCCCR nhằm bảo vệ an toàn cho những cánh rừng.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU