Lấy dị vật mắc ở cả hai phế quản gốc
Ê kip xử lý cấp cứu gắp dị vật cho cháu bé
Trước đó, khoảng 9h sáng ngày 10/6, bé trai Nguyễn Văn L. K. (Gio Linh, Quảng Trị) đang ăn xôi đậu thì đột nhiên ho sặc sụa, khó thở, nôn ra bọt hồng và tím môi từng cơn. Nhận thấy trẻ càng lúc càng khó thở, người nhà đưa trẻ đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị thăm khám.
Đến 16h30 cùng ngày, các bác sĩ đã lấy ra được dị vật là hai mảnh đậu phộng nằm ở phế quản gốc 2 bên. Sau phẫu thuật, bệnh nhi tỉnh táo, tự thở và được chuyển về khoa Nhi tiếp tục điều trị nội khoa.
Theo các bác sĩ chuyên Khoa Tai Mũi Họng, đây là một ca lâm sàng hiếm thấy và rất nguy hiểm. Thông thường, dị vật phế quản gặp chỉ ở một bên và phế quản bên còn lại sẽ thực hiện chức năng thông khí cho cơ thể. Trường hợp này, dị vật mắc ở cả hai phế quản gốc, vì vậy gây nên tình trạng khó thở và suy hô hấp. Do đó, phẫu thuật gắp dị vật phế quản cần được tiến hành khẩn cấp để khai thông đường thở cho bệnh nhi.
Cảnh báo trẻ gặp tai nạn sinh hoạt
Tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, thời gian trẻ ở nhà nhiều hơn cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gia tăng trẻ gặp tai nạn trong sinh hoạt hằng ngày.
Theo số liệu của các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tuần đầu tháng 6/2021, Bệnh viện đã tiếp nhận 14 bệnh nhi (độ tuổi từ 2-9 tuổi) nhập viện điều trị với những chấn thương khác nhau.
2 mảnh hạt đậu phộng được gắp ra khỏi đường thở
Mới đây, một bé trai 6 tuổi (Nghệ An) nhập viện trong tình trạng 4 ngón bàn tay phải bị đứt rời. Trước đó, tối ngày 2/6, trong khi mẹ đang mải bán hàng không để ý, trẻ đã cho ly thủy tinh uống nước của mình vào máy dập trà sữa. Do kích cỡ của ly thủy tinh nhỏ hơn so với ly trà sữa nên bị lọt xuống phía dưới, trẻ cố thò tay vào để chỉnh ly thủy tinh đúng lúc máy đang dập, khiến trẻ bị đứt rời 4 ngón tay bàn tay phải.
Ngay sau tai nạn, gia đình đã bảo quản phần đốt ngón tay bị đứt lìa vào hộp đá và đưa trẻ đến trạm y tế gần nhà để sơ cứu và cầm máu, sau đó trẻ tiếp tục được chuyển đến bệnh viện tuyến tỉnh. 4h30’ sáng ngày 3/6, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi và tiếp tục điều trị. Đáng tiếc, do mạch máu đốt 3 của các ngón rất nhỏ, vết thương bị dập nát và thời gian sau chấn thương dài nên thầy thuốc không thể nối phần đốt 2, 3 ngón I, II, III, IV đã bị đứt lìa cho trẻ.
Trẻ nhỏ thường hiếu động, chạy nhảy, tò mò khám phá môi trường sống xung quanh. Để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần đánh giá, xem xét bao quát môi trường sống của con, chú ý đến tình huống nào có thể gây rủi ro cho trẻ.
Trở lại trường hợp trẻ bị hóc hạt đậu phộng vừa được cứu sống, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế khuyến cáo: Dị vật đường thở có thể dẫn đến tử vong hoặc gây ra những biến chứng nặng nếu không được xử lý kịp thời. Bệnh hay xảy ra ở trẻ em do thói quen ngậm đồ chơi hoặc trêu đùa trong lúc đang ăn uống. Phụ huynh cần tránh cho trẻ đưa đồ vật, đồ chơi vào miệng ngậm, không nên cho trẻ ăn những thức ăn dễ hóc, như hạt lạc, hạt dưa, hạt hướng dương... Nếu trẻ bị hóc hay nghi ngờ bị hóc, phải đưa đến bệnh viện ngay để được kiểm tra và xử lý kịp thời.
Bài, ảnh: Đồng Văn