Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Huế vừa thụ lý, giải quyết vụ án tranh chấp dân sự, mà nguyên đơn là chú, bị đơn là cháu gái.

Vốn vợ chồng người chú không có con, nương tựa vào nhau mà sống. Đến khi tuổi già, người vợ qua đời trước. Lúc này, người chú viết giấy có nội dung và điều kiện là: Vợ chồng cháu gái phải ở cùng, chăm lo các bữa ăn hằng ngày, đồng thời đưa cho chú 75 triệu đồng. Đổi lại, cháu gái được sở hữu nhà đất của chú (nhưng chưa có “sổ đỏ”).

Cháu gái thực hiện các điều kiện mà chú đưa ra. Tuy nhiên, một thời gian sau, người chồng của cháu gái không may bị tai nạn qua đời. Cháu gái lúc đó vừa có con nhỏ, lại đang mang bầu sắp sinh, nên không thể tiếp tục ở cùng, chăm sóc cho chú được nữa, về quê nương nhờ mẹ ruột.

Người chú cho rằng cháu gái không thực hiện cam kết, nên lấy lại nhà đất để bán cho người khác (giá thị trường thời điểm hiện tại là tiền tỉ) và sẽ trả lại 75 triệu đồng, đồng thời hứa hẹn hỗ trợ thêm 100 triệu đồng cho cháu gái. Người cháu không đồng ý với chú, bởi số tiền 75 triệu đồng tại thời điểm cháu gái giao cho chú có giá tương đương 10 lượng vàng. Nếu mang 75 triệu đồng thời điểm đó đi mua đất thì người cháu dư sức sở hữu được thửa đất “đàng hoàng”.

Thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án đã nhiều lần tổ chức hòa giải giữa các bên đương sự, mong muốn hai bên thống nhất ý kiến, dung hòa quyền lợi, có tình, có lý đừng để bên nào chịu thiệt thòi quá nhiều. Nhưng người chú vẫn khăng khăng. Vị thẩm phán cho biết, hòa giải không thành, tòa án sẽ quyết định đưa vụ án ra xét xử. Lúc đó, hội đồng xét xử sẽ căn cứ các quy định của pháp luật để có một phán quyết chính xác. Chỉ e là, lúc đó, tình thân giữa hai bên sẽ không còn giữ lại được. Đó chính là hệ lụy đáng tiếc nhất.

Tương tự, một vụ tranh chấp dân sự, đòi lại nhà cho ở nhờ, hai bên đương sự cũng có quan hệ gia đình, nhưng đã “cạch” mặt nhau.

Nguyên đơn là cháu rể (hiện đang ở nước ngoài, ủy quyền cho luật sư). Bị đơn là dì của vợ (chị em ruột với mẹ vợ của nguyên đơn). Nhà đất (chưa có “sổ đỏ) hiện người dì và các con đang ở, là sở hữu của cháu rể (giấy tờ mua nhà mang tên anh này, người bán cũng xác nhận bán cho anh này). Phía nguyên đơn đã cho phía bị đơn ở nhờ mấy chục năm qua. Nguyên đơn cho rằng, sự việc cũng sẽ không đến mức phải đưa nhau ra tòa, nếu như các con của bị đơn không có thái độ thách thức, có những hành động, lời nói hỗn láo.

Tại thời điểm định giá, hội đồng định giá nhà đất đang tranh chấp có giá trị là 2 tỉ đồng (thời điểm hiện tại có thể giá cao hơn). Sau khi tòa án nhiều lần tổ chức hòa giải, hai bên đã đi đến thống nhất, bị đơn sẽ giao 1,2 tỉ đồng cho nguyên đơn. Ngược lại, nguyên đơn giao ngôi nhà trên cho bị đơn sở hữu. Tuy nhiên, trong thời gian luật quy định (tòa án chưa ra quyết định công nhận sự thỏa thuận và thỏa thuận trên của hai bên đương sự chưa có hiệu lực pháp luật), phía nguyên đơn thay đổi ý kiến.

Nguyên nhân là phía bị đơn vẫn không có lời xin lỗi, các con của bị đơn vẫn có thái độ, lời nói không đúng mực đối với phía nguyên đơn. Theo luật sư được nguyên đơn ủy quyền, nguyên đơn đã thay đổi ý kiến, theo đó nâng số tiền yêu cầu bị đơn phải trả lên 1,8 tỉ đồng. Để mâu thuẫn ngày càng thêm nặng nề, hai bên dù trong mối quan hệ gia đình, cũng khó lòng “nhìn mặt” nhau. Điều đáng tiếc nhất là mâu thuẫn và sự mất mát tình cảm đó chắc chắn sẽ để lại di chứng lâu dài.

QUỲNH ANH