Trong lúc cả nước đang quan tâm hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cho Bắc Giang (bởi mùa thu hoạch vải thiều năm nay trùng với thời gian địa phương này bùng phát dịch bệnh) thì hành tím ở Sóc Trăng; bí đỏ và một số nông sản tại một số địa phương khác vẫn rất cần được hỗ trợ, giải cứu.

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; trong đó, nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu, kể cả khi chưa có dịch bệnh, nhiều mùa nông sản đến kỳ thu hoạch vẫn phải giải cứu, hoặc bán giá rẻ. Dịch bệnh càng làm khó khăn thêm cho đầu ra nông sản vốn tồn tại lâu nay.

Công bằng mà nói, việc tìm đầu ra cho nông sản thời gian gần đây đã được chính quyền các địa phương và bộ ngành quan tâm; từ việc quy hoạch diện tích, thay đổi cây trồng vật nuôi; đổi mới phương thức canh tác, sản xuất: đến bao tiêu sản phẩm, ngoại giao mở rộng thị trường ra các nước...

Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt kết quả tốt về sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu đạt khá; trong bốn tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,003 tỷ USD, chiếm 23,3% thị phần và tăng trưởng 35,8% so với năm 2020.

Cùng với xuất khẩu, việc chế biến hay đưa nông sản vào các kênh tiêu thụ lớn như hệ thống siêu thị, nhà hàng cũng được quan tâm, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản.

Song, trên thực tế nguồn nông sản vẫn còn hết sức dồi dào ở các chợ truyền thống, thậm chí trên các cánh đồng khi nông dân không thiết tha thu hoạch.

Trong thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay, ngoài số diện tích được đầu tư theo hướng hữu cơ để phục vụ xuất khẩu, hoặc cung ứng cho các kênh tiêu thụ lớn và uy tín thì đa phần diện tích còn lại đang được nông dân sản xuất theo hướng tự phát. Tình trạng sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn tiếp diễn, nên sản phẩm có nhiều nhưng nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn không dám thu mua.

Tại thị trường nội địa, ranh giới giữa sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và vô cơ cũng rất mù mờ; giá trị sản phẩm sản xuất hữu cơ có khi không cao hơn sản phẩm sản xuất vô cơ là bao nhiêu; trong khi mức đầu tư cho sản xuất hữu cơ cao gấp nhiều lần so với sản xuất theo kiểu vô cơ. Chẳng hạn tại HTXNN Phú Lương (Phú Vang) giá lúa Bắc Thơm hữu cơ vụ đông xuân vừa qua chỉ cao hơn giá lúa Khang Dân vô cơ chưa đến 1000 đồng/kg. Thực tế này khiến người nông dân không mặn mà với đầu tư sản xuất theo hướng hữu cơ, kéo theo đó là tình trạng sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp phổ biến.

Trở lại vấn đề hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh, áp lực về phí lưu kho do thương mại bị gián đoạn; hệ thống logictics và kho lạnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu về khối lượng cũng như vướng mắc điều tiết, phân luồng nông sản ở các cửa khẩu.… được cho là nguyên nhân khiến việc thu mua nông sản bị hạn chế.

Tuy nhiên, nguyên nhân bao trùm hơn cả là việc sản xuất chưa gắn với nhu cầu thực tế. Theo nhiều chuyên gia, sản xuất nông nghiệp trong nước dù có tiềm năng nhưng nông sản chưa kiểm soát được hàng rào kỹ thuật, đáp ứng được các tiêu chuẩn cho các thị trường. Bên cạnh đó, cơ chế vận hành, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ chưa được chặt chẽ cũng là một tổn tại khiến nông sản dễ rơi vào thế bấp bênh… Thực tế này cần sớm được khắc phục để bền vững đầu ra cho nông sản.

Đặng Thành