Các nước đang tiếp tục có nhiều hình thức đẩy tiến trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Ảnh minh họa: Vietnamplus

Cụ thể, giới chức địa phương đã tăng gấp đôi lượng xe buýt được phân phối để hoạt động cho tiến trình tiêm chủng vaccine vốn được ra mắt từ ngày 1/6 lên thành 10 xe. Sáng kiến này được người dân rất hưởng ứng nhờ sự tiện lợi của nó.

Động thái được triển khai khi Indonesia – quốc gia bao phủ 270 dân đang chuẩn bị đạt đỉnh về số ca nhiễm COVID-19 mới sau lễ hội Eid al-Fitr diễn ra hồi tháng trước – khi hàng triệu người đi du lịch để thăm hỏi bạn bè và gia đình.

“Tôi hi vọng hình thức tiêm chủng này sẽ được tiếp tục duy trì thực hiện cho đến khi mọi người dân trong thị trấn này đều được tiêm chủng đầy đủ. Nó gần và dễ dàng hơn so với việc đi đến trung tâm tiêm chủng”, Delvi, một người dân địa phương chia sẻ với các phóng viên sau khi tiêm vaccine trên xe buýt lưu động cho hay.

Chính quyền Pekanbaru, thủ phủ tỉnh Riau cho biết, đưa vào sử dụng mô hình tiêm chủng trên xe buýt đã giúp địa phương tiêm 12.000 liều vaccine COVID-19 của Sinovac (Trung Quốc) và hiện mỗi ngày có hơn 1.000 mũi tiêm được sử dụng. Các nhà chức trách cho biết họ có kế hoạch tăng thêm số lượng xe buýt để phục vụ cho tiến trình tiêm chủng nhưng đến nay chưa biết là sẽ tăng bao nhiêu chiếc. Mặc dù dành phần lớn sự quan tâm cho dự án tiêm chủng bằng xe buýt, nhưng các nhà chức trách nhận định họ cũng phải triển khai nỗ lực để giải quyết một vấn đề phát sinh là thông tin sai lệch về vaccine COVID-19, khi nhiều người vẫn còn lo ngại về tính an toàn của các loại vaccine này.

Indonesia có kế hoạch tiêm chủng cho 181,5 triệu người vào năm tới. Song hiện chỉ có 11,57 triệu người Indonesia nhận được đầy đủ 2 mũi vaccine đang được nước này đưa vào sử dụng, bao gồm vaccine Sinovac của Trung Quốc và vaccine của Oxford/AstraZeneca.

Cũng trong nỗ lực về tiêm chủng để chống lại đại dịch, thị trưởng Moscow - thủ đô của Nga ngày 13/6 tuyên bố sẽ tặng ôtô miễn phí trong một buổi quay số trúng thưởng cho những người dân tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Đây là một trong những nỗ lực để thúc đẩy tỷ lệ chủng ngừa vẫn còn khá thấp và số ca nhiễm ngày càng tăng cao.

Thông tin đăng tải trên trang CNA cho hay, tính đến cuối tuần qua, thủ đô Moscow đã báo cáo 7.704 ca nhiễm mới – mức cao nhất trong ngày ghi nhận từ ngày 24/12/2020. Trên toàn quốc có 14.723 trường hợp mắc bệnh.

Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin ngày 12/6 đã yêu cầu người dân nghỉ làm trong tuần tới để chung sức kiềm chế sự lây lan của virus...

Được biết, Thị trưởng Sergei Sobyanin đã có lời phê bình về việc ít người dân chọn tiêm chủng. Trước đó, ngày 21/5, vị lãnh đạo cũng thông tin rằng chỉ 1,3 triệu người trong tổng số hơn 12 triệu dân đã nhận được mũi vaccine đầu tiên.

Chính để thúc đẩy nhu cầu tiêm chủng, Thị trưởng Sergei cho hay, bất kỳ ai trên 18 tuổi tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên trong tổng số 2 mũi cần thiết từ ngày 14/6 đến 11/7 sẽ được tự động rút thăm trúng thưởng 1 chiếc xe ôtô. 5 chiếc ôtô trị giá khoảng 13.900 USD/chiếc sẽ được tặng cho những người may mắn vào mỗi tuần.

Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine COVID-19 để sử dụng trong nước, trước khi bắt đầu các thử nghiệm quy mô lớn. Trong đó vaccine Sputnik V được đưa vào tiêm chủng từ tháng 12 và nhanh chóng được tiêm chủng rộng rãi cho người dân Moscow.

Về phía Ấn Độ - ổ dịch lớn và nghiêm trọng của thế giới, chính quyền Ahmedabad, thành phố lớn nhất bang Gujarat vừa tổ chức một đợt tiêm chủng đặc biệt cho 500 người khuyết tật – những người thường gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đặt chỗ và đến các trung tâm tiêm chủng. Cũng như hai nước vừa nêu – Indonesia và Nga, động thái của Ấn Độ cũng nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 còn thấp, đặc biệt là ở đối tượng dân số dễ bị tổn thương hơn trong xã hội.

Với mô hình này, Ahmedabad đã chứng kiến nhiều người khuyết tật đến xếp hàng tại trung tâm trên các loại xe lăn, xe gắn máy tùy chỉnh để được tiêm vaccine miễn phí.

Mặc dù là một nước sản xuất vaccine lớn, song Ấn Độ phải đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong việc tiêm chủng cho 1,3 tỷ người. Vấn đề nảy sinh một phần là do những khó khăn về hậu cần khi tiếp cận đến các khu vực vùng sâu vùng xa và cả sự hoài nghi về các mũi vaccine.

Theo số liệu y tế, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi cho biết, họ đặt mục tiêu đến cuối năm nay sẽ  tiêm chủng cho tất cả người dân có đủ điều kiện và sẵn sàng tiêm chủng. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 240 triệu trong tổng số 950 triệu người trưởng thành của Ấn Độ đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19.

Cập nhật tình hình, Ấn Độ đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự gia tăng về số ca nhiễm mới trong hai tháng 4 và 5. Nhưng nhìn chung những dấu hiệu tồi tệ nhất có thể đã qua. Tính đến 9h14p ngày 14/6, Ấn Độ có hơn 29,5 triệu ca nhiễm COVID-19 –cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, trong đó có hơn 374.000 người đã tử vong và hơn 28 triệu bệnh nhân COVID-19 đã bình phục.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA & Worldmeters)