15 năm qua, Phân viện miền Trung tại Huế đã từng bước lần tìm, phác họa nên diện mạo của mình thông qua một số công trình cụ thể, góp phần quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu di sản lịch sử văn hóa và nghệ thuật miền Trung theo từng mảng vấn đề, từng khía cạnh nghiên cứu, cả trong cách tiếp cận lịch đại lẫn đồng đại.

Buổi tọa đàm đã dành nhiều thời gian thảo luận về mô hình tổ chức Festival Huế

Đơn vị đã từng bước triển khai các chương trình khảo sát, nghiên cứu và đã đạt được một số thành quả bước đầu với gần 20 đầu sách và hàng chục đề tài nghiên cứu, tập trung giải quyết các vấn đề văn hóa nghệ thuật nổi bật trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Đặc biệt là những công trình có đóng góp thiết thực về kinh tế - xã hội, cung cấp luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc bảo tồn di sản văn hóa có nguy cơ mai một, phát huy giá trị di sản đặc trưng.

Phân viện quan tâm nhiều tới di sản văn hóa Huế trong vai trò là một trung tâm văn hóa mang đậm dấu ấn truyền thống khi Huế đóng vai trò thủ phủ vùng miền thời chúa Nguyễn Đàng Trong, kinh đô Phú Xuân thời Tây Sơn. Kết quả nổi bật được thể hiện rõ nét qua các công trình nghiên cứu về mỹ thuật, nhà vườn Huế, nhạc lễ Phật giáo xứ Huế...
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về nhu cầu, những giải pháp để đẩy mạnh đào tạo nghiên cứu sinh trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cho khu vực miền Trung.

Một vấn đề dư luận quan tâm được buổi tọa đàm dành nhiều thời gian là việc đề xuất, thảo luận ý tưởng xây dựng mô hình Festival Huế. Trong đó đáng chú ý là ý tưởng và cơ sở xây dựng mô hình tổ chức Festival Huế - Festival bốn mùa. Theo đó, Festival Huế sẽ được tổ chức suốt 4 mùa với các chủ đề: “Thu vàng xứ Huế”, “Đông – khúc giao mùa”, “Xuân – sắc xuân trong hội nhập”, “Hạ - an lạc giữa mùa sen”.  

Minh Hiền