Qua đường đúng kẻ vạch phần đường dành cho người đi bộ góp phần giảm nguy cơ tai nạn
Hàng ngày chị Nguyễn Thị A., (Lê Thánh Tôn, TP. Huế) từ nhà ra đường Mai Thúc Loan làm việc thường đi bộ. Theo chị A. khi di chuyển với đoạn đường ngắn đó cũng là cách để tập thể dục nâng cao sức khỏe, đồng thời lại an toàn. Tuy nhiên có những chỗ vỉa hè vốn hẹp lại bị các hộ kinh doanh bày hàng hóa hoặc tận dụng làm nơi để xe, choán hết lối đi khiến nhiều lúc chị phải đi xuống lòng đường. Dù biết như vậy là nguy hiểm song không còn cách nào khác.
Thực trạng trên không riêng tuyến đường Lê Thánh Tôn hay Mai Thúc Loan mà nhiều tuyến, như Ngô Quyền, Nguyễn Huệ, Hùng Vương... (TP. Huế) dù hai bên đã có vỉa hè, có kẻ chỉ phân cách dành cho người đi bộ nhưng phần lớn đã bị chiếm dụng bởi hàng quán, vật dụng, ô tô đậu đỗ của người dân sống trong khu vực. Người đi bộ chỉ còn cách đi chung với làn đường của ô tô, xe máy rất nguy hiểm.
Gần đây các ngành chức năng, địa phương thiết lập nhiều hệ thống báo hiệu trên đường cho người đi bộ. Song vấn đề này vẫn còn hạn chế, hệ thống vỉa hè, vạch kẻ dành cho người đi bộ chủ yếu chỉ tập trung ở khu vực thành phố và một số tuyến giao lộ. Nhiều nơi, vạch sơn dành cho người đi bộ trong khu vực nội thị nhưng đã bị mờ, các đơn vị quản lý chưa kịp thời duy tu nên khó nhận biết. Tại các huyện, thị xã một số khu vực nội thị mới có phần đường cho người đi bộ, song không phải địa bàn nào cũng thiết lập được.
Trong cuộc họp giao ban trực tuyến ATGT mới đây tại UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc chia sẻ, ngoài những bất cập thiết chế hạ tầng giao thông, phải thừa nhận lâu nay tình trạng người đi bộ không đi đúng phần đường diễn ra phổ biến. Những sai phạm thường thấy của người đi bộ, như bất ngờ sang đường, đi không đúng làn đường có kẻ sọc trắng dành cho người đi bộ, thiếu quan sát khi tham gia giao thông… Điều này đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông do người đi bộ không chấp hành luật.
Từ năm 2018, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được mở rộng phạm vi điều chỉnh. Trong đó áp dụng cho cả người đi bộ sai luật, nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự (mức phạt cao nhất là 15 năm tù). Nội dung này quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 và nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Lãnh đạo Văn phòng Ban ATGT tỉnh nêu thực tế, để người đi bộ chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ thì phải có cơ sở để họ thực hiện. Không thể có chuyện đường có vỉa hè mà người đi bộ lại không có lối đi. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải sớm dẹp bỏ các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, trả lại lối đi bộ cho người dân. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra hệ thống biển báo giao thông, vạch kẻ đường, cầu vượt dành cho người đi bộ…, nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông.
Trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được sự gia tăng đột biến về phương tiện giao thông như hiện nay thì ý thức của mỗi cá nhân đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài việc tạo “lề thông hè thoáng”, văn hóa nhường đường mỗi khi lưu thông trên đường là một trong những nét đẹp cần phát huy.
Bài, ảnh: Song Minh