Chị Ali Whitman trước bức tường là chân dung của những người đã tử vong do COVID-19 ở Houston - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, năm ngoái, chị Ali Whitman tổ chức lễ cưới của mình với 13 khách mời và những người thân còn lại xem tường thuật trên Zoom. Dịch bệnh COVID-19 suýt nữa đã lấy mạng mẹ chị và có rất nhiều người chết ở Houston, nơi chị Whitman sinh sống và làm việc. 

Giờ đây, người phụ nữ này chuẩn bị làm một lễ "hấp hôn" hoành tráng nhưng cho biết chị sẽ không ngại thừa nhận rằng năm qua (giai đoạn dịch bệnh COVID-19 hoành hành ở Mỹ) tồi tệ và khủng khiếp với mình và mọi người như thế nào.

Vẫn còn rất đau khổ, chị đã sưu tập ảnh chân dung của những người đã chết do COVID-19 ở Houston để lưu lại một thời kỳ đã qua. 

Tính đến hết ngày 14-6, theo trang worldometers.info, Mỹ có 615.220 người chết do COVID-19, chiếm khoảng 15% tổng số ca tử vong do COVID-19 toàn cầu và là quốc gia đứng đầu thế giới về cả số ca nhiễm và tử vong do COVID-19.

Nhờ đảm bảo được nguồn vắc xin sớm, tỉ lệ nhiễm COVID-19 và tử vong ở Mỹ đã giảm đáng kể. Mặc dù vậy, đại dịch vẫn để lại hậu quả tâm lý dai dẳng với nhiều người: đau buồn, cô đơn, lo âu, chưa kể các tác động như bị các triệu chứng kéo dài của bệnh COVID-19, giảm thu nhập.

Đến nay, chị Erika Stein vẫn bị chứng đau nửa đầu, mệt mỏi và một số vấn đề về nhận thức kể từ khi bị nhiễm COVID-19 vào mùa thu năm ngoái. "Tất cả chúng ta đã sống trong một thời kỳ kinh khủng, tất cả đều bị ảnh hưởng không cách này thì cách khác. Thế giới của tôi bị đảo lộn trong một năm rưỡi qua và điều đó thật khó khăn", chị Stein thừa nhận.

Trước đây, chị Stein, 34 tuổi, là một phụ nữ năng động và khỏe mạnh, làm giám đốc tiếp thị và huấn luyện viên thể hình ở Virginia. Tuy nhiên, chị đã mắc các triệu chứng điển hình của tình trạng nhiễm COVID kéo dài, khiến cuộc sống riêng gặp nhiều khó khăn. 

Tại New York, chị Shyvonne Noboa vẫn khóc khi nói về COVID-19, căn bệnh khiến 14/17 người họ hàng của mình bị nhiễm và một người ông tử vong. 

"New York City đang trở lại cuộc sống bình thường và mở cửa kinh tế nhưng với gia đình tôi, không có gì là bình thường nữa", Noboa nói. 

Dù đã được tiêm vắc xin, chị Noboa vẫn đeo khẩu trang khi ra ngoài và dự định sẽ tiếp tục giữ thói quen này trong một thời gian. 

Báo Mercury News ở Californina, một trong những tiểu bang cuối cùng mở cửa lại nền kinh tế, dẫn lời chuyên gia nhận định dịch bệnh COVID-19 sẽ còn ở lại với con người trong thời gian tới, do đó chiến lược sống chung với dịch bệnh sẽ làm đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Từng quận hạt cần đảm bảo tỉ lệ người được tiêm vắc xin cao để ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15-6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 177 triệu ca, trong đó có hơn 3,8 triệu người tử vong. Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, trong khi châu Á và Mỹ Latin hiện là những vùng dịch "nóng nhất".

Theo Tuoitre