Trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các chất độc hại có trong rác thải điện tử. Ảnh minh hoạ: Elsavaldo/Tuoitre
Trong một tuyên bố, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng “với khối lượng sản xuất và xử lý ngày càng lớn, thế giới phải đối mặt với vấn đề mà một diễn đàn quốc tế gần đây đã mô tả là “cơn sóng thần về rác thải điện tử”, gây nguy hiểm cho tính mạng và sức khỏe con người”.
“Cũng như cách thế giới đã tập hợp để bảo vệ biển và hệ sinh thái khỏi ô nhiễm nhựa và vi nhựa, chúng ta cần tập hợp để bảo vệ tài nguyên quý giá nhất của chúng ta - sức khỏe của trẻ em - khỏi mối đe dọa ngày càng tăng của rác thải điện tử”, ông nhấn mạnh.
Rác thải điện tử ngày càng chất đống
Theo WHO, các thiết bị điện tử bị vứt bỏ hay còn gọi là rác thải điện tử đã trở thành loại rác thải sinh hoạt phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Theo Đối tác thống kê chất thải điện tử toàn cầu (GESP), rác thải điện tử đã tăng 21% trong 5 năm tính đến năm 2019, với 53,6 triệu tấn được tạo ra trong năm đó. Sự gia tăng này được dự báo sẽ tiếp diễn khi việc sử dụng máy tính, điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác tiếp tục mở rộng, cùng với sự lỗi thời nhanh chóng của chúng. Ứớc tính gần đây nhất của GESP cho thấy chỉ có 17,4% lượng rác thải điện tử được tạo ra trong năm 2019 được thu gom và tái chế phù hợp. Mặc dù không biết rõ số phận của số rác thải điện tử còn lại nhưng dường như ít có khả năng chúng được quản lý và tái chế theo cách thân thiện với môi trường.
Việc thu gom và tái chế rác thải điện tử một cách thích hợp là chìa khóa để bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí hậu. Măm 2019, GESP đã phát hiện ra rằng 17,4% rác thải điện tử được thu gom và tái chế một cách thích hợp đã ngăn chặn được 15 triệu tấn carbon dioxide tương đương thải ra môi trường.
Nguy hại cho sức khoẻ trẻ em
Trong khi một số rác thải điện tử kết thúc vòng đời ở các bãi chôn lấp, một lượng rác điện tử đáng kể thường được vận chuyển bất hợp pháp đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi những người lao động phi chính thức, bao gồm cả trẻ em và thanh thiếu niên, sẽ nhặt, tháo dỡ hoặc sử dụng bể axit để chiết xuất kim loại và các vật liệu có giá trị từ loại rác thải này.
WHO ước tính có khoảng 12,9 triệu phụ nữ làm việc trong lĩnh vực rác thải phi chính thức có khả năng phơi nhiễm với dư lượng chất độc hại cho bản thân và thai nhi.
Ngoài ra, hơn 18 triệu thanh niên trên toàn cầu, một số trẻ mới 5 tuổi - được cho là “tích cực tham gia” vào lĩnh vực công nghiệp rộng lớn hơn, trong đó xử lý rác thải điện tử chỉ là một phần nhỏ.
WHO cho biết, các phương pháp không chính thức để tách vật liệu khỏi rác thải điện tử có liên quan đến một loạt các ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là ở trẻ em.
Tái chế rác thải điện tử đặc biệt ảnh hưởng đến những người đang trong giai đoạn phát triển quan trọng về thể chất và thần kinh, trong đó trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai dễ bị tổn thương nhất.
Theo báo cáo của WHO, phụ huynh hoặc người chăm sóc thường đưa trẻ em tham gia vào việc tái chế rác thải điện tử vì bàn tay nhỏ bé của chúng khéo léo hơn bàn tay của người lớn. Những đứa trẻ khác sinh sống, đi học và vui chơi gần các trung tâm tái chế rác thải điện tử, nơi có hàm lượng hóa chất độc hại cao, chủ yếu là chì và thủy ngân, có thể gây hại cho trí tuệ của chúng.
Trẻ em tiếp xúc nhiều với rác thải điện tử đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các hóa chất độc hại do các cơ quan ở trẻ chưa phát triển hoàn thiện, trong khi chúng có tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh. Trẻ sẽ hấp thụ nhiều chất ô nhiễm hơn so với kích thước của chúng và ít có khả năng chuyển hóa hoặc đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể như người lớn.
Bà Marie-Noel Brune Drisse, tác giả chính của báo cáo cho rằng việc quản lý rác thải điện tử không đúng cách là một mối đe doạ đang gia tăng mà nhiều quốc gia vẫn chưa nhận ra đó là một vấn đề sức khỏe. “Nếu không hành động ngay bây giờ, những tác động của nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ em và tạo gánh nặng cho ngành y tế trong những năm tới”, bà nhấn mạnh.
Kêu gọi hành động
Báo cáo “Trẻ em và Rác thải điện tử” đi sâu vào nhiều khía cạnh của vấn đề, trong đó vạch ra những hành động thiết thực mà ngành y tế và những bên liên quan có thể thực hiện để đối phó với nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn từ rác thải điện tử.
Báo cáo cũng kêu gọi các hành động có ràng buộc của các nhà xuất khẩu, nhập khẩu và chính phủ để đảm bảo việc xử lý rác thải điện tử phù hợp với môi trường cũng như sức khỏe và sự an toàn của người lao động và cộng đồng.
Đồng thời, ngành y tế cũng được yêu cầu giảm thiểu các tác động tiêu cực từ rác thải điện tử bằng cách tăng cường năng lực chẩn đoán, giám sát và ngăn ngừa phơi nhiễm chất độc, đồng thời vận động để có dữ liệu và tiến hành các nghiên cứu sâu hơn về sức khỏe và những rủi ro mà những người lao động không chính thức phải đối mặt khi làm việc với rác thải điện tử.
BẢO NGHI (Lược dịch từ UN & WHO)