Cập nhật thông tin điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Ảnh: CÔNG BẰNG

Khu cách ly không ai được “ưu đãi”

Để được “vào sâu” trong khu cách ly tập trung tác nghiệp, dù “được tạo điều kiện”, tôi cũng phải vượt qua rất nhiều vòng kiểm dịch. Lần đầu tiên, bước vào khu cách ly, ngay ở cổng, xe của tôi đã bị chặn lại, cùng vô vàn câu hỏi. Sau khi làm xong những thủ tục khai báo y tế, khử khuẩn, tôi được trang bị bộ đồ bảo hộ kín mít mới được bước qua rào chắn ngăn cách để vào khu cách ly.

TTYT Phú Lộc lấy mẫu PCR cho các trường hợp cách ly đặc biệt. Ảnh: BÁ TRÍ

Đội ngũ phục vụ ở khu cách ly khá thân quen với tôi từ trước, nhưng khi mang bộ đồ bảo hộ, bước qua rào chắn đó, thì tôi không còn được nhận bất cứ “ưu đãi” nào. Chỉ cần một chút bất cẩn, tôi và tất cả những người lính ở đây đều đối diện với nhiều nguy cơ lây nhiễm. Tác nghiệp trong điều kiện khó khăn, mang trên mình bộ đồ bảo hộ nóng bức mới phần nào cảm nhận sự vất vả của đội ngũ phục vụ ở các khu cách ly.

Phải nói chuyện qua hai lớp khẩu trang kín mít, nhưng tôi vẫn luôn cảm nhận được sự cởi mở, nhiệt tình của những người lính. Họ sẵn sàng chia sẻ những thông tin, chính vì thế tôi mới có thể tiếp cận sâu, có những góc nhìn đa chiều về đời sống của công dân cách ly tập trung cũng như đội ngũ phục vụ trong những ngày dịch bệnh bùng phát để có thể chuyển tải đến độc giả những bài viết, hình ảnh sinh động, thực tế nhất.

Sát cánh cùng tổ cộng đồng phòng chống dịch

… Chuông điện thoại reo vang lúc trời chưa tỏ mặt, phía đầu dây bên kia, bác sĩ Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Lộc thông báo, ngành chức năng sẽ khoanh vùng tạm thời TTYT huyện từ sáng 13/5/2021, do có ca mới dương tính với SARS-CoV-2.

Phóng viên Thu Thủy trong một lần tác nghiệp ở “tâm dịch”. Ảnh: ĐỒNG VĂN

Tôi tức tốc có mặt. Phải chờ đợi khá lâu và trải qua các khâu kiểm dịch nghiêm ngặt tôi mới được vào trong tác nghiệp. Cũng nhờ vậy, tôi đã được tiếp cận khu cách ly đặc biệt ở TTYT huyện, ghi nhận những hình ảnh nhân viên y tế hằng ngày chăm sóc cơm ăn, nước uống tận tình và lấy mẫu xét nghiệm cho người cách ly...

Tác nghiệp trong ngày bầu cử tại điểm phong tỏa, cách ly ở tổ dân phố 6, thị trấn Phú Lộc cũng là kỷ niệm đáng nhớ nhất. Để có được hình ảnh cử tri trong khu vực phong tỏa cách ly phòng chống dịch đi bỏ phiếu, chúng tôi “thâm nhập” vào 2 điểm bỏ phiếu phụ tại chốt số 5 và chốt số 3 của khu phong tỏa. Tại mỗi điểm bỏ phiếu được bố trí 5 cán bộ y tế trực tại cổng để đo thân nhiệt và hướng dẫn cử tri khử khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m giữa người với người trong quá trình bỏ phiếu.

Thời điểm đó, Lăng Cô là địa bàn có số lượng người địa phương trở về từ vùng tâm dịch Đà Nẵng lớn thứ hai của huyện Phú Lộc. Song, chúng tôi cũng luôn sát cánh cùng các tổ cộng đồng phòng chống dịch COVID-19 trong hành trình rà soát các đối tượng trở về từ vùng dịch để kịp thời tuyên truyền trên mặt báo về sự quyết liệt trong “cuộc chiến” chống COVID-19 của Phú Lộc.

Tận thấy vất vả ở vùng biên

19 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 nằm ở những khu vực xa trên tuyến biên giới Việt – Lào. Đó là “lá chắn thép” ngăn chặn người vượt biên qua đường mòn, lối mở để trốn tránh dịch. Muốn đến được các chốt, phải vượt qua quãng đường dài và xấu. Chiều vùng cao thường có mưa rừng khiến cho địa hình thêm phần lầy lội, khó đi. Có lần, tôi cùng những phóng viên báo bạn may mắn được “bu bám” theo xe tải để đỡ công cuốc bộ vào một chốt phòng, chống dịch COVID-19 thuộc Đồn Biên phòng Nhâm. Chiếc xe di chuyển trong rừng với tốc độ “rùa bò”. Đến nơi, toàn thân lấm bụi từ đầu đến chân, thế nhưng với những chiến sĩ biên phòng, hành trình ấy đã là sự may mắn (!).

Đêm tác nghiệp vùng biên, phóng viên ăn mì gói để lót dạ. Ảnh: MINH TÂM

Dựng chốt ở những nơi xa, các chiến sĩ cũng phải thích ứng với nhiều không: không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại… Những bữa ăn dù chỉ mì tôm với rau rừng không làm họ lơ là nhiệm vụ. Chính bởi những khó khăn, ở lại với những chiến sĩ vùng biên đã đem lại những góc quay, bức ảnh và cả thông tin đắt giá cho người làm báo. Đã không ít lần “bám biên” cùng các chiến sĩ, cùng đi tuần tra rừng vào cả ngày lẫn đêm mới thấu sự khó nhọc trong việc thích ứng chênh lệch nhiệt độ. Ban ngày vùng biên nắng gắt, nhưng có những đêm nhiệt độ giảm xuống khoảng 10 độ C, người chiến sĩ chỉ biết nhóm củi, mắt vẫn dõi về hướng những con đường mòn…

Có lẽ nhờ đôi lần cùng ăn, cùng ở, cùng thức đêm, cùng tuần tra mới thấy được gian khổ và thêm yêu hơn hình ảnh những người lính Cụ Hồ, để từ đó cảm xúc cũng dạt dào hơn khi họ xuất hiện trên mặt báo.

Thấy mình như người thừa

Đảm bảo các yêu cầu chống dịch và được ngành y tế tạo điều kiện, tôi có nhiều dịp được vào vị trí của những “chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch, tác nghiệp tại nhiều điểm nóng. Cảm xúc sau khi trở về từ mỗi điểm không bao giờ giống nhau, nhưng lạ là đều chung một nỗi day dứt: Sợ chữ nghĩa mình không nói hết được những hy sinh, vất vả của những chiến sĩ áo xanh, áo trắng nơi “tâm điểm” của cuộc chiến phòng dịch.

Tác nghiệp với lực lượng tuyến đầu. Ảnh: THẢO VY

Đợt dịch lần thứ 4 này, Trung tâm Cách ly và điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế Cơ sở 2 điều trị 5 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Nơi đây có nhiều vòng an toàn được lập. Dù được tạo mọi điều kiện và thực hiện các yêu cầu phòng hộ, nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể đến nơi sâu nhất là khu vực làm việc hành chính của nhân viên y tế. Vì áp lực công việc của đội ngũ nhân viên quá lớn, nên cảm giác của tôi như người thừa khi có mặt tại đây.

Vậy mà, ngay khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Thừa Thiên Huế cơ bản được kiểm soát, 4/5 ca bệnh COVID-19 được xuất viện, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế lại tiếp tục có mặt tại tâm dịch Bắc Giang để “chia lửa” cùng tỉnh bạn. Hy sinh, vất vả không thể nào nói hết. Nhưng, hân hoan đón ngày các anh chiến thắng trở về!

Từ phong tỏa tới giãn cách

Với đại đa số người dân xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, hai từ “phong tỏa” là lần đầu tiên trong đời họ, bởi trên địa bàn xã có trường hợp nhiễm COVID-19.

Người bạn của tôi có cô con gái 5 tuổi và không may bị bệnh hen. Những hôm phong tỏa, Huế bắt đầu vào đợt nắng nóng nên cháu bé tái phát bệnh. Không thể đưa con đi khám, chỉ còn một cách là nhờ tôi mua thuốc theo đơn khám trước đó ở TP. Huế. Lúc ra Phong Hiền cũng đã hơn 9h tối, để gói thuốc tại chốt kiểm soát dịch bệnh ở cầu Kẽm và chờ đợi cô bạn ra lấy. Ánh đèn xe máy duy nhất từ từ tới gần. Dừng xe máy một đoạn xa, sau khi lấy gói thuốc, cô bạn chỉ kịp nói được câu cảm ơn, rồi lật đật quay xe trở vào.

Mười ngày phải phong tỏa, đúng 7h sáng 19/5, Phong Hiền chuyển sang giãn cách xã hội. Tôi và nhiều đồng nghiệp khác có mặt từ sớm và được phép vào trong xã tác nghiệp sau 7h sáng. Nhịp sống đã sôi động hơn. Riêng tôi không quên đến thăm cháu bé con của cô bạn. Thật may, cháu đã chạy nhảy, vui cười trở lại. Rời Phong Hiền, tôi vẫn còn nhớ câu nói của lão nông toát lên vẻ chất phác, mộc mạc - Nguyễn Luận (60 tuổi, thôn Bắc Triều Vịnh, xã Phong Hiền): “Dịch bệnh chẳng ai mong muốn. Chỉ khi chấp hành nghiêm túc các quy định, mọi người cùng có ý thức, mới cùng nhau đẩy lùi được dịch bệnh”.

Nhóm phóng viên