Duyệt nội dung trang số đặc biệt

Cuối tuần, anh phụ trách morat của cơ quan phải nhập viện. Cả phòng phóng viên bắt đầu nhốn nháo khi trưởng phòng yêu cầu một phóng viên phải xuống hỗ trợ Phòng Tòa soạn công việc chấm mo-rát (morasse). Và tôi là người được điều động.

Để sẵn sàng cho công việc mới, tôi thông báo với cả nhà tuần tới sẽ nhận nhiệm vụ mới và không quên dặn dò chồng, con: “Mẹ về làm mo-rát một thời gian nên có thể đi làm về rất muộn, hai ba con phải tự lo cho nhau trong những ngày này”. Sở dĩ, phải căn dặn vậy bởi không ít lần đi làm về lúc tối muộn, tôi thấy Phòng Thư ký - Tòa soạn vẫn sáng đèn, thậm chí có hôm 9, 10h đêm, các anh, chị vẫn phải ngồi đợi tin, bài của phóng viên vào những ngày có sự kiện quan trọng.

Ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ mới, tôi đến thật sớm, trong lòng là cả mớ bòng bong với bao nỗi lo vừa chấm morat vừa học hành vào cuối tuần liệu công việc có đảm bảo, rồi có sai sót thì sao… Vì thế cứ mỗi trang nội dung kỹ thuật in ra, tôi đều đọc đi đọc lại năm lần bảy lượt đến nỗi gần như thuộc từng câu, chữ trong bài.

Buổi sáng được xem là thời gian khá “nhàn nhã” đối với mo-rát khi chỉ cần đọc thư thả rồi chuyển cho kỹ thuật sửa các lỗi trên bản mềm. Nhưng càng về chiều các tin, bài thời sự bắt đầu chuyển về nhiều, người chấm phải đọc thật kỹ và đòi hỏi “độ tỉnh” hơn rất nhiều so với thời điểm ban sáng. Với công việc đọc, đọc và đọc, người morat phải cẩn trọng với từng câu chữ trên bản giấy, soát lỗi chính tả, rồi đưa kỹ thuật chỉnh sửa rồi lại đọc, đối chiếu lại chỉnh sửa… Đôi khi morat cũng là người phát hiện ra các lỗi trong bài và “đánh dấu hỏi thật to” (các anh chị tòa soạn bảo vậy) để biên tập viên có thể điều chỉnh, hỏi lại phóng viên nếu cần. Và chỉ đến khi hoàn thành tất cả ma-két (maquette) trang báo chuyển cho Ban Biên tập duyệt lần cuối, lúc đó mo-rát mới thật sự được thả lỏng.

Sửa từng lỗi nhỏ nhất để có sản phẩm hoàn thiện

Thật lòng mà nói, trước đây trong đầu tôi luôn nghĩ công việc mo-rát thật đơn điệu và khi được điều về chấm morat tôi có chút “hoang mang”, nhưng sau 1 tuần “tác chiến” mới nhận ra công việc này giúp ích rất nhiều cho phóng viên, bởi nó giúp phóng viên tỷ mẩn hơn trong cách viết cũng như làm giàu kiến thức về các ngành, địa bàn mà mình chưa từng “kinh” qua.

Thế nhưng nếu xét độ căng mắt, căng trán thì có lẽ mo-rát chỉ bằng một “chút cheo” so với các biên tập viên. Bởi cũng số lượng tin bài như vậy, biên tập viên không chỉ đọc, sửa các lỗi câu chữ, “thêm mắm dặm muối” mà còn phải tỉnh táo với những số liệu, thông tin mà không có kiến thức dễ dàng “lọt lưới”; rồi thì xếp trang, đôn đốc bài vở và đôi khi là gợi mở những đề tài cho phóng viên…

Vất vả nhất là các số báo đặc biệt, bộ phận tòa soạn lại căng mình với một “mớ” công việc. Với những số báo này không chỉ đòi hỏi phóng viên mà cả biên tập viên cũng phải “phiêu” nhất để ngôn ngữ mềm mại nhưng vẫn mang hơi thở cuộc sống. Ngay cả cách đặt tít cũng phải “đắt”, hấp dẫn mà muốn như vậy biên tập viên phải “vật lộn” với từng con chữ mang đến cho độc giả bài báo hấp dẫn ngay từ tựa đề. Chưa kể, có nhiều số báo lượng bài chất lượng chưa đủ phải tìm mọi cách từ đặt bài cho cộng tác viên, viết bài… phải đợi đến sát ngày cuối mới có đủ bài. Họa sĩ thì căng mắt với việc vừa dàn trang cho số hằng ngày vừa dàn một khối lượng trang lớn gấp đôi, gấp ba thậm chí gấp 5 các số hàng ngày cho số đặc biệt; vi tính, mo-rát cũng phải thực hiện khối lượng công viêc tương tự. Quả thực chẳng khác mấy việc “ngồi trên đống lửa”.

Nhà báo Tâm Huệ, Biên tập viên Phòng Thư ký - Tòa soạn phụ trách số Cuối tuần không ít lần chia sẻ, với các số đặc biệt, cả biên tập viên lẫn họa sĩ, kỹ thuật đều phải làm việc 200% “công suất” so với những số thường. Bởi lẽ, những số báo này được xem là “tinh túy” của tờ báo, mà đã là tinh túy phải có sự đầu tư. Chỉ đến khi cầm trên tay sản phẩm đọc từng trang báo mới ra với hình ảnh đẹp, nội dung phong phú… mới thở phào.

Không ít người cho rằng, bộ phận tòa soạn nhàn nhã, ngồi phòng lạnh, mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu. Nhưng đằng sau cái mát mẻ ở phòng lạnh ấy là một chuỗi công việc có tên lẫn không tên và họ phải “đánh vật” với từng con chữ, cần mẫn với công việc làm nên một sản phẩm báo chí hoàn chỉnh. Họ chấp nhận rời tòa soạn khi phố đã lên đèn với cái “bụng đói meo” để có trang báo đẹp, đa dạng nội dung, đầy đủ thông tin thời sự nhất cho bạn đọc vào sáng hôm sau.

Và rồi họ lại lặng lẽ đằng sau chúc mừng cho những tác phẩm được bạn đọc đón nhận mà chẳng bao giờ kể lể góp công.

Một tuần trải nghiệm công việc mo-rát có lẽ chẳng hoài phí với tôi một phóng viên trẻ, giúp tôi hiểu và chia sẻ hơn với những áp lực của những “chiến binh” thầm lặng đằng sau những bài báo, trang báo. Và tôi thật sự muốn cám ơn họ rất nhiều, những người “gác cửa” thầm lặng ấy!

Bài, ảnh: Hoàng Loan