Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may đã đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, đáp ứng đơn hàng cho đối tác

 

Mũi tên nhiều đích

Là DN chuyên sản xuất các sản phẩm tinh dầu, cao xoa bóp, mỗi tháng tiêu thụ trên 1 tấn sản phẩm tinh dầu các loại nên việc đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm luôn được Công ty TNHH Sản xuất tinh dầu Kim Vui chú trọng. Trong đó, dây chuyền chiết rót các loại tinh dầu là thiết bị tiên tiến đầu tiên được DN lựa chọn đầu tư.

Theo Chủ tịch HĐQT công ty Trần Văn Lực, việc đầu tư trên 1 tỷ đồng trang bị dây chuyền chiết rót tinh dầu bán tự động phục vụ việc chiết rót các loại tinh dầu không chỉ góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí và lợi ích về môi trường mà còn tạo ra những sản phẩm tốt, phù hợp xu thế người tiêu dùng.

Sau 17 năm thành lập, từ đầu năm đến nay là thời điểm khá thuận lợi đối với Công ty CP Da giày Huế khi đơn hàng liên tục tăng và hợp đồng đều ký kết trước 6 tháng, chủ yếu sản xuất các sản phẩm xuất khẩu cho Tập đoàn IKEA (Thuỵ Điển), với số lượng đơn hàng mỗi tháng khoảng 300 ngàn bộ sản phẩm, doanh thu trên 60 tỷ đồng.

Trưởng phòng Hành chính nhân sự công ty, ông Trần Ngọc Hải cho rằng, IKEA là tập đoàn lớn chuyên cung cấp các bộ sản phẩm đựng đồ gia dụng cho khách hàng toàn thế giới nên đơn hàng luôn ổn định. Để đáp ứng đơn hàng cho các đối tác cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm nhân công, hiện DN đang đầu tư hệ thống máy may tự động, cho năng suất cao gấp 5 năm so với máy cũ.

Giảm áp lực lao động

Qua tìm hiểu, điểm chung sau khi đầu tư đổi mới, nâng cấp dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại đều góp phần giúp các DN tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giảm áp lực về việc thiếu nguồn lao động và hạ giá thành của sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Công ty CP Da giày Huế đầu tư dây chuyền may công nghệ cao góp phần nâng cao năng suất, tiết giảm nhân công

Khảo sát sơ bộ trong quá trình đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy, tỷ lệ DN đẩy mạnh đầu tư hiện đại hóa công nghệ ngày càng tăng cao, trong đó, nhóm DN thuộc khối sản xuất chế tạo thiết bị điện, điện tử, chế biến thực phẩm là các ngành có tỷ lệ tự động hóa cao nhất trong ba năm qua. Các DN trong lĩnh vực may mặc, sản xuất đồ da, xây dựng do còn tận dụng lợi thế chi phí từ lao động giá rẻ nên mới áp dụng hiện đại hóa công nghệ theo hướng tự động chưa đến 5% công việc. Đáng chú ý, nhờ áp dụng các công nghệ tương tự vào hoạt động sản xuất nên hiện tại nhiều DN trong nước cũng đã bắt kịp các DN FDI về khả năng hội nhập hiệu quả vào các chuỗi cung toàn cầu.

Theo Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế Trần Văn Mỹ, việc đầu tư dây chuyền may xuất khẩu công nghệ cao không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mà quan trọng là tiết giảm nhiều nhân công, trong khi lao động ngành may hiện rất khó tuyển dụng. Sắp tới, DN tiếp tục nghiên cứu, đầu tư vốn đổi mới dây chuyền sản xuất, trang bị các thiết bị hiện đại đáp ứng đơn hàng của đối tác.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh khẳng định, nhờ đổi mới công nghệ sản xuất, các DN có thể sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả hơn thông qua tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng khâu tiêu thụ sản phẩm và chính sách hậu mãi. Tuy nhiên, do kinh phí máy móc thiết bị khá cao nên hiện một số DN, cơ sở sản xuất chưa đủ điều kiện đầu tư.

Thông qua nguồn vốn khuyến công quốc gia và địa phương, Sở Công thương đã làm cầu nối giúp các DN tiếp cận vốn khuyến công để đầu tư máy móc thiết bị, mỗi năm có khoảng 15-20 DN, cơ sở được hỗ trợ vốn.

Ông Thanh cho biết, nguồn vốn khuyến công không chỉ hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất, mà còn khuyến khích các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư vốn đổi mới máy móc cũ, lạc hậu thành các thiết bị công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, sản xuất sản phẩm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ưu tiên đổi mới công nghệ

Với tổng nhu cầu vốn gần 1.900 tỷ đồng, đề án “Phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) tỉnh đến năm 2025” sẽ ưu tiên tập trung phát triển các nhóm ngành, sản phẩm CNNT có thế mạnh của các địa phương về nguồn tài nguyên, lao động và thân thiện với môi trường... Trong đó, sẽ ưu tiên hỗ trợ các DN trong việc đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, mở rộng thị trường.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, để phát huy các lợi thế của địa phương, sắp tới ngành công thương tiếp tục triển khai một số giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành công nghiệp giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường và phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Mục tiêu trước mắt là đẩy mạnh triển khai công tác xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp, trong đó ưu tiên hỗ trợ máy móc và nhãn hiệu cho các sản phẩm CNNT đã đạt giải cao tại các hội thi, bình chọn cấp tỉnh, cấp quốc gia và các thương hiệu uy tín... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, sử dụng thiết bị công nghệ tiên tiến trong tổ chức sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp.

Bài, ảnh: Thanh Hương