Bà Trần Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội tự hào cho biết: từ khi đảm nhiệm thêm chức danh HTND, thực hiện chức năng của "quan toà" xét xử sơ thẩm các loại án, có nghĩa, những người như chúng tôi phải gánh vác thêm trách nhiệm rất nặng nề nhưng vinh dự. Mình phải nỗ lực gấp đôi để vừa làm tốt nhiệm vụ đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học trò, vừa đảm bảo xét xử đúng, thấu tình, đạt lý khi ngồi ở vị trí HĐXX tại toà án, với nguyên tắc hiến định là HTND độc lập chỉ tuân theo pháp luật". Do đó, ngoài việc tham gia các đợt tập huấn do toà án tổ chức, chúng tôi đặt cho mình mục tiêu không ngừng học hỏi, tìm hiểu về các văn bản pháp luật, kỹ năng xét xử... để đáp ứng với yêu cầu công việc của một quan toà.

Có chung suy nghĩ như bà Trần Thị Thu Hương, nhiều thầy, cô giáo là HTND còn nhấn mạnh - là giáo viên, cán bộ của ngành giáo dục, chúng tôi có thế mạnh và thuận lợi riêng trong công tác xét xử. Chúng tôi thực hiện việc giáo dục pháp luật, hành vi xử sự cho bị cáo trong các vụ án hình sự, các đương sự trong các vụ tranh chấp dân sự, án hôn nhân và gia đình... và những người liên quan đến các vụ án. Ý nghĩa giáo dục có sức lan toả trong cộng đồng, xã hội. Đặc biệt, pháp luật có quy định, đối với những vụ án có bị cáo là người chưa thành niên, thì trong HĐXX bắt buộc phải có một thành viên HTND là giáo viên hoặc Đoàn Thanh niên tham gia. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rõ đặc điểm, tâm sinh lý các em ở độ tuổi chưa thành niên, hiểu được những nguyên nhân, điều kiện, những trở ngại... khiến các em ở độ tuổi này có những hành vi mắc lỗi, sai phạm, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật hình sự; sẽ dễ dàng hơn trong việc phân tích, giáo dục, hướng các em nhận thức đúng đắn về hành vi ứng xử, cũng như tạo cho các em có tâm lý gần gũi và tin cậy trong quá trình khai báo tại phiên toà.  Sau phiên toà, các em sẽ nỗ lực phấn đấu, cải tạo làm người có ích cho xã hội.
 
Ông Trần Khánh Phong, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng, người đảm nhiệm công tác HTND sáu năm qua tâm sự: Có trường hợp, hai bị cáo trong một vụ án hình sự là học sinh, trong đó có em nguyên là học sinh Trường Hai Bà Trưng. Do thiếu sự quan tâm của gia đình, các em sa vào cá độ rồi phạm tội. Tại phiên toà, các em rất cảm động vì thầy giáo cũ, trong vai trò "quan toà" vẫn đặt vào các em niềm hi vọng rằng các em sẽ trở thành người có ích sau lần vấp ngã này. Được khích lệ, sau khi bị kết án (toà cho các em được hưởng án treo) cả hai em được quay lại trường học tập. Các em ra sức phấn đấu, đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Kết quả, cả hai em đều được kết nạp vào Đoàn, đạt danh hiệu học sinh tiến tiến, học sinh giỏi của trường, một em ở trong đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
 
Những giáo viên là HTND đều có chung suy nghĩ, dù vất vả khi vừa làm công việc của một nhà giáo vừa làm công việc của một "quan toà", nhưng đối với họ đây là điều may mắn. Hai công việc này hỗ trợ cho nhau, để sự nghiệp giáo dục và "trồng người" có ý nghĩa thiết thực, sâu sắc hơn. Họ đem quan điểm, cái nhìn của nghề giáo dục vào công việc toà án, để từ đó lý giải nguyên nhân, điều kiện dẫn đến phạm tội (nhất là các trường hợp người chưa thành niên), hay nguyên nhân xảy ra trong các vụ án tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình... và xử lý đúng pháp luật, nhưng theo cách mềm mại, đạt hiệu quả về lâu dài. Ông Phong cho biết: Đối với các vụ tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, giải quyết dân sự trong vụ án hình sự... thì kỹ năng sư phạm là vũ khí sắc bén, đem lại hiệu quả cao trong việc hoà giải thành công tại phiên tòa. Có nhiều trường hợp qua hoà giải, phân tích, các bên đương sự thoả thuận được với nhau về giải quyết vụ án, từ đó HĐXX công nhận sự thoả thuận đó, giảm bớt mâu thuẫn cho cộng đồng, xã hội. Ngược lại, thông qua công tác xét xử, chúng tôi lựa chọn những chi tiết “đắt”, đưa vào giảng dạy hay các hoạt động giáo dục khác một cách linh hoạt và tinh tế, nhằm truyền thụ cho các em kiến thức pháp luật, định hướng cho các em có thái độ xử sự đúng, cảnh tỉnh các em, ngăn ngừa từ xa nguy cơ sa vào lầm lỡ, nhất là với những học sinh cá biệt. Từ khi đảm nhiệm chức năng xét xử, "cọ xát" thực tế, với biết bao số phận éo le, những bi kịch, từ muôn hình vạn trạng, nguyên nhân, điều kiện, cách xử sự trong cuộc sống... dẫn đến vụ án, những giáo viên - HTND chúng tôi  cũng có sự điều chỉnh trong phương pháp giáo dục: nghiêm, nhưng "bổ sung" nhiều hơn nữa sự động viên nhẹ nhàng, quan tâm tinh tế... Chính điều này có hiệu quả rất lớn trong thành tích học tập, rèn luyện, dẫn dắt các em hình thành nhân cách, đạo đức tốt.
 
Những thầy giáo, cô giáo kiêm nhiệm công tác HTND, làm công tác giảng dạy ở nhà trường vừa làm công tác xét xử các vụ án tại tòa án nói chung, các vụ án mà bị cáo còn vị thành niên phạm tội nói riêng, là những người thấm thía sâu sắc hơn ai hết lời dạy của Bác Hồ: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người". Chính trong môi trường "lưỡng nghề, lưỡng nghiệp" mang tính giáo dục, xã hội ấy, các thầy, cô luôn đau đáu một điều các em là chủ nhân tương lai của đất nước, vì vậy không quản khó khăn vất vả dồn hết trí tuệ, tâm huyết của mình cho sự nghiệp " trồng người”.
 
Quỳnh Anh