Dù còn một số quan ngại về tính bảo mật thông tin cá nhân, tình trạng phân biệt đối xử với những người không được tiêm chủng; chưa có sự thống nhất ở phạm vi quốc tế về những tiêu chuẩn đối với hộ chiếu vaccine... nhưng đến ngày 4/6/2021, Châu Âu có 7 nước chấp nhận hộ chiếu vaccine COVID-19, trong đó có Hy Lạp, Đan Mạch.

Với lộ trình trên, dự kiến từ ngày 1/7, chứng chỉ COVID kỹ thuật số của EU sẽ được cấp cho những người đã được tiêm phòng hoặc đã khỏi COVID-19, giúp họ được miễn trừ quy định tự cách ly và xét nghiệm khi di chuyển trong khối. Được quản lý qua ứng dụng điện thoại, giấy chứng nhận tiêm vaccine - hay còn gọi là hộ chiếu vaccine - được kỳ vọng sẽ tạo đột phá, giúp mở lại biên giới trong khối EU và các nước thành viên.

Tại châu Á, Hàn Quốc cũng đã chính thức cho biết sẽ cấp hộ chiếu vaccine theo hình thức kỹ thuật số thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, tích hợp các thông tin về tình trạng tiêm chủng vaccine COVID-19 của người dân. 

Nhật Bản cũng đã có kế hoạch sẽ phát hành giấy chứng nhận tiêm ngừa COVID-19 vào mùa hè năm nay nhằm cho phép những công dân đã tiêm chủng được ra nước ngoài, cũng như tạo cú hích cho nền kinh tế.

Là một nước có tiềm năng và thế mạnh về du lịch, Thái Lan cũng đang xúc tiến lộ trình đón du khách có hộ chiếu vaccine COVID-19 đến Phu-Khẹt và một số điểm du lịch nổi tiếng của nước này.

Với Việt Nam, tại phiên họp ngày 11/6/2021, về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu thí điểm hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc (Kiên Giang).

Trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tàn phá nền kinh tế nhiều quốc gia trên thế giới, giải pháp hộ chiếu vaccine được xem là chìa khóa đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường khi được cấp cho những người đã tiêm phòng và cho phép họ tham gia các hoạt động cộng đồng; hỗ trợ các quốc gia có thể bãi bỏ việc hạn chế, cấm tụ tập đông người; giúp những địa điểm, các hoạt động cộng đồng an toàn hơn. Hộ chiếu vaccine cũng giúp tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực và kinh phí liên quan đến việc cách ly khi nhập cảnh vào các quốc gia trên thế giới.

Theo Bộ Y tế, hộ chiếu vaccine chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng, nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng.

Để đẩy nhanh tỷ lệ phủ sóng vaccine COVID-19 trong cộng đồng, công tác tiêm chủng đang được tích cực triển khai. Bộ Y tế cũng đang tích cực đàm phán, tiếp tục tăng thêm nguồn cung ứng vaccine cho Việt Nam, với mục tiêu có hơn 120 triệu liều phòng vaccine COVID-19 trong năm 2021, nhằm giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 đầu năm 2022. Cùng với đó, Bộ Y tế thúc đẩy các doanh nghiệp, đơn vị trong nước nghiên cứu và chuẩn bị sản xuất vaccine để đảm bảo an ninh y tế trong tương lai.

Với những định hướng và nỗ lực, Việt Nam đang dần tiếp cận lộ trình hội nhập, không để tụt hậu về xu thế hộ chiếu vaccine - được đánh giá là “một con đường nghiêm túc” để thúc đẩy du lịch và giao lưu quốc tế. 

Nhật Nguyên