Những“nhà báo” dạng này được các tổ chức truyền thông thiếu thiện chí và tổ chức phản động bên ngoài lợi dụng để chống phá Nhà nước Việt Nam.

Ngày 5/1/2021, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử đối với 3 bị cáo: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Hữu Minh Tuấn về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Phạm Chí Dũng bị tuyên phạt 15 năm tù và 2 đối tượng còn lại 11 năm, tịch thu tài liệu, phương tiện phạm tội.

Từ năm 2014, Phạm Chí Dũng đã khởi xướng thành lập và tự phong Chủ tịch “Hội nhà báo độc lập Việt Nam”, lập trang web “Việt Nam thời báo” nhằm tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước.

Chúng tập hợp được 72 đối tượng tham gia, viết bài đăng trên web và gửi ra nước ngoài. Nghiêm trọng hơn, tổ chức ngoại vi của Việt Tân móc nối đưa một số đối tượng ra nước ngoài huấn luyện phương pháp chống đối, chuyển tiền cho những hoạt động trong nước dưới danh nghĩa “nhuận bút”. Đã có hàng trăm bài viết, hàng ngàn tin, bài đăng trên “Việt Nam Thời Báo” và đã nhận trên 1 tỷ đồng từ bên ngoài.

Thời gian gần đây, những kẻ thoái hóa, biến chất lợi dụng mạng xã hội hay sơ hở của các cơ quan quản lý để hoạt động như một “nhà báo” hay một “trang báo chính thống”. Cũng như “Hội Nhà báo độc lập”, những kẻ lợi dụng danh nghĩa dân chủ thường xuyên đưa lên các “diễn đàn” cá nhân những bài viết với luận điểm phản bác, bôi nhọ hoạt động của các cơ quan nhà nước, cá nhân các đồng chí lãnh đạo.

Những blogger của Nguyễn Quang A, Nguyễn Đình Cống, Chu Hảo, Mạc Văn Trang, Nguyễn Ngọc Chu... lần lượt đưa ra hàng loạt bài viết thể hiện quan điểm chống đối dưới danh nghĩa phản biện, góp ý. Vào mỗi dịp Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, HĐND hoặc các sự kiện lớn của đất nước đều có những bài viết, trả lời phỏng vấn theo ý kiến cực đoan cá nhân.

Điển hình như khi xảy ra vụ Đồng Tâm (Hà Nội), số này đã về thôn Hoành để “chia sẻ” với gia đình Lê Đình Kình, kêu gọi quyên góp phúng điếu, coi Kình  như “người hùng”.

Không ít kẻ lợi dụng chống tham nhũng, tiêu cực để “làm tiền” với cơ quan, cá nhân có khuất tất trong kinh doanh, làm sai chính sách. Cùng với đó, một số đối tượng bị Nhà nước trục xuất ra nước ngoài tìm cách lấy thông tin trong nước để viết bài phê phán chế độ, bôi nhọ lãnh tụ... không ngoài mục đích mưu sinh bằng tiền bẩn ở hải ngoại.

Theo ước tính, nước ta có khoảng 70% người dân sử dụng điện thoại di động, trong đó 64% cài đặt 3G, 4G và phần lớn sử dụng mạng internet. Đó là những con số ấn tượng về tốc độ phát triển, nhưng đồng thời đặt ra về quản lý mạng và dịch vụ truyền thông trong đảm bảo an ninh thông tin.

Các đối tượng chống đối lợi dụng phương tiện này để tán phát tài liệu một cách dễ dàng, nhanh chóng. Từ đặc điểm đó, những “nhà báo” lợi dụng dân chủ mọc lên như nấm, đủ thành phần, chỉ cần chút ít khả năng viết lách, chụp ảnh, thao tác điện thoại đã trở thành một “nhà báo”, một blogger, một quản trị trang web hoàn chỉnh.

Để tránh kiểm duyệt và xử lý, nhiều trang web đưa lên máy chủ ở nước ngoài, được các tổ chức chống đối bên ngoài tài trợ.

Thực tế đặt ra yêu cầu cấp thiết trong quản lý, chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh những hành vi lợi dụng danh nghĩa “tự do báo chí” để chống phá Đảng, Nhà nước.

 NGUYỄN AN HÒA