Anh bắt đầu đàm phán để gia nhập Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương. Ảnh minh hoạ: CBC/Baoquocte

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) xóa bỏ 95% thuế quan giữa các quốc gia thành viên, bao gồm Nhật Bản, Canada, Australia, Việt Nam, New Zealand, Singapore, Mexico, Peru, Brunei, Chile và Malaysia.

Anh hy vọng sẽ tạo dựng được một vị thế thích hợp cho mình trên thị trường thương mại thế giới với tư cách là nước xuất khẩu hàng tiêu dùng cao cấp và dịch vụ chuyên nghiệp. Việc gia nhập CPTPP sẽ bổ sung cho các thỏa thuận thương mại mà London đang tìm kiếm hoặc đã nhất trí một phần.

Bà Liz Truss, Bộ trưởng Thương mại quốc tế của Anh cho biết “khu vực này của thế giới là nơi có những cơ hội lớn nhất của Anh. Chúng tôi rời EU với lời hứa sẽ làm sâu sắc hơn các mối liên kết với các đồng minh cũ và với các thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh bên ngoài châu Âu. Đó là một giải thưởng hấp dẫn hậu Brexit mà chúng tôi muốn giành lấy”, bà chia sẻ.

CPTPP dự kiến ​​sẽ không làm gia tăng sản lượng xuất khẩu của Anh, nhưng nó liên quan đến quyền tiếp cận thị trường, bao gồm cả các lĩnh vực pháp lý, tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp, và được các bộ trưởng coi là một cách quan trọng để đạt được tầm ảnh hưởng trong khu vực châu Á.

Không giống như Liên minh châu Âu, CPTPP không áp đặt luật đối với các thành viên, không nhằm mục đích tạo ra một thị trường duy nhất hoặc một liên minh thuế quan, và cũng không tìm kiếm sự hội nhập chính trị rộng rãi hơn giữa các nước.

Quá trình đàm phán về tư cách thành viên chủ yếu nhằm chứng minh với các thành viên hiện tại rằng Anh có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của nhóm về xóa bỏ thuế quan và tự do hóa thương mại, sau đó đưa ra chi tiết về cách thức và thời điểm thực hiện.

"Hiệp định CPTPP có các quy định mạnh mẽ chống lại các hành vi thương mại không công bằng như ưu đãi các doanh nghiệp nhà nước, chủ nghĩa bảo hộ, phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài và buộc các công ty phải cung cấp thông tin cá nhân", Bộ Thương mại Anh cho biết trong một tuyên bố, và khẳng định rằng sự tham gia của Vương quốc Anh vào Hiệp định sẽ củng cố sự đồng thuận quốc tế chống lại các hành vi không công bằng nói trên.

Chính phủ Anh dự kiến ​​sẽ công bố các tài liệu đưa ra đánh giá về lợi ích của tư cách thành viên trong hôm nay, đồng thời nhấn mạnh ô tô và rượu whisky sẽ là những mặt hàng xuất khẩu sẽ được hưởng lợi.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương được lên kế hoạch trước đó. Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã từng nhắc đến khả năng đàm phán lại thỏa thuận trước cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, nhưng hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch chắc chắn nào kể từ khi nhậm chức.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)