Thợ sửa quạt máy, điều hoà tất bật với công việc trong những ngày nắng nóng do số lượng hư hỏng nhiều hơn so với ngày thường

“Những ngày này, công suất sửa quạt gấp 3 - 4 lần so với ngày thường, bởi lượng quạt hư hỏng nhiều do hoạt động liên tục…”, anh Nguyễn Hùng, một thợ sửa quạt máy trên đường Bà Triệu, TP. Huế nói.

Không khó để nhận ra nhiều cửa hàng sửa máy quạt, điều hoà phải làm việc với cường độ cao, liên tục so với những ngày thường. Trong khi thợ sửa quạt máy nhận về cửa hàng để sửa, thì ngược lại thợ sửa điều hoà phải di chuyển liên tục, đến tận nơi để phục vụ khách hàng của mình.

Anh Nguyễn Hùng đã có thâm niên hơn 10 năm làm nghề thợ sửa đồ điện tử nói chung và quạt máy nói riêng. Tưởng chừng cái nghề mà mọi người nghĩ rằng "lai rai" qua ngày và ít khi bận rộn, nhưng như lời anh Hùng, chừng vài năm trở lại đây, khi mùa hè nắng nóng cũng là lúc công việc dồn dập. “Đặc biệt năm nay và năm trước nắng nóng bất thường, bà con xài quạt máy hết công suất nên hay gặp sự cố hư hỏng”, anh Hùng nói và đó cũng là lí do mà nghề này đang... ăn nên làm ra.

Tiệm sửa đồ điện tử của anh Hùng rộng hơn 20m2, nhưng quạt máy hư hỏng được khách chuyển đến chờ để sửa chiếm phần lớn. Do làm không kịp, nên anh phải ghi sổ theo thứ tự và hẹn khách lần lượt. “Hẹn là vậy nhưng mình vẫn phải cố gắng hết sức để sửa cho khách sớm nhất có thể vì họ cũng nóng lòng, trời nắng dữ quá ai cũng hối thúc”, anh Hùng nói thêm.

Hầu hết, quạt máy hư hỏng liên quan đến các sự cố như tuốc năng chuyển hướng bị gãy, quạt cánh bị rời, tiếng ồn quá lớn, quạt chạy chậm, rung lắc mạnh… Với những lỗi hư hỏng như thế, mức giá sửa từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng. “Nếu trường hợp nào hư hỏng nặng, mình khuyên nên mua mới, còn nếu mức giá thay rẻ thì mình cũng phải báo trước cho khách”, anh Hùng cho biết.

Trong cửa tiệm sửa máy quạt trên đường Duy Tân, anh Huỳnh Văn Lâm cũng tất bật với công việc sửa quạt máy hư hỏng. Vừa sửa, anh vừa nghe cuộc điện thoại của khách hẹn đưa quạt đến sửa. “Phải hai ba ngày nữa mới lấy, được không? Chứ bây giờ hàng sửa còn tồn nhiều quá, làm không kịp. Nếu đồng ý anh đem tới nhé?”, anh Lâm vừa cúp máy đã cầm ngay lấy tuốc vít để sửa một máy quạt còn khá mới nhưng không hoạt động.

Một ngày, trung bình anh sửa từ 10 - 15 máy quạt, trường hợp hư hỏng nặng việc sửa chữa chậm hơn. “Nói chung công việc những ngày ni dồn dập. Làm liên tục, nếu không làm hài lòng khách cũng không được – anh Lâm nói. May ra chỉ được một vài tháng nắng nóng, còn lại qua mùa mưa thì gần như ngồi chơi xơi nước”. Nhờ lượng khách tìm đến sửa đông nên những ngày này thu nhập cũng tăng cao, kiếm được cả triệu đồng là chuyện thường.

Còn với cánh thợ lắp điều hoà, cao điểm nắng nóng đồng nghĩa với công việc vất vả, làm không kịp, cứ hễ nghe điện thoại là lại chạy. Anh Phan Thạch, một thợ chuyên sửa, bảo hành điều hoà cho hay, gần một tháng nay phải làm việc liên tục từ sáng sớm cho đến đêm khuya bởi khối lượng công việc lớn hơn nhiều lần so với ngày thường. Các vấn đề hư hỏng được khách báo chủ yếu liên quan đến nguồn, IC, rò rỉ nước, hay nạp ga, thay ống đồng, vệ sinh điều hoà…  “Thật ra là rất mệt, nhưng đổi lại thu nhập cao nên phải cố gắng”, anh Thạch chia sẻ.

Theo anh Thạch thời điểm nắng nóng trùng vào mùa hè, lại đúng vào dịch bệnh COVID-19 nên hầu hết con trẻ ở trong nhà, người làm cũng làm việc tại chỗ nên công suất sử dụng máy điều hoà ở các gia đình khá lớn. Do vậy, việc xảy ra hư hỏng, sự cố cũng nhiều bất thường. “Cứ họ gọi là mình tới xem. Có ngày nhiều quá phải từ chối hoặc nhờ các thợ bạn hỗ trợ”, anh Thạch kể và tiết lộ thu nhập có ngày lên tới gần 2 triệu nếu làm việc từ sáng sớm đến tối khuya.

Không chỉ quạt máy, điều hoà, nhiều vật dụng khác liên quan đến đồ điện như tủ lạnh, bình giữ nhiệt làm lạnh… cũng thường xuyên gặp sự cố. Vì thế, dù vất vả nhưng thời điểm này được xem là mùa “bội thu” của những người thợ chuyên sửa đồ điện lạnh.

Bài, ảnh: Nhật Minh