Bà Chi từng kể lại, biết bà nhớ An Hiên nên khi các đồng chí lãnh đạo có những tin tức không lành về An Hiên đều giấu biệt. Thế nhưng một hôm, có người đến thăm, buột miệng nói với bà “Cái vườn của chị đã bị thằng Đệ quận trưởng Hương Trà lên phá hết rồi”. Bà Chi đã dứt khoát, tuy không tiếc, nhưng nghe cái tin đó thật cũng không vui. Nghĩ đến mấy tủ sách đã gần gũi suốt mấy mươi năm, nghĩ đến bát hương thờ phụng cha mẹ và người chồng, lại nghĩ đến dưới làn bom đạn chiến tranh không có những ngoại lệ. Đã thoát ly cách mạng phải chấp nhận trả mọi giá. Điều quan trọng là làm sao có được một ngày chiến thắng trở về. Lúc ấy sẽ có tất cả…

Câu chuyện về bà Nguyễn Đình Chi và ngôi vườn An Hiên cũng được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khắc ghi trong bút ký để đời “Hoa trái quanh tôi”. Người Huế lập vườn, theo nhận xét của Hoàng Phủ Ngọc Tường, trước hết như là nơi cư ngụ của tâm hồn mình giữa thế gian, uớc mong sẽ là chút di sản tinh thần để đời cho con cháu. Vườn An Hiên là kiểu vườn Huế như vậy. Còn người chủ ngôi vườn là một  trí thức Huế đi theo cách mạng, có tên tuổi và thái độ tiến bộ trong các vấn đề chính trị, được nhiều người kính trọng về nhân cách.

Nhà vườn An Hiên. Ảnh: VNN

Tôi đã nhớ đến khu vườn An Hiên, nhớ đến bà Nguyễn Đình Chi nhiều tâm trạng, lắm đắn đo nhưng chân thành, nhiệt huyết và dám hy sinh khi được giác ngộ chân lý như một biểu tượng đẹp về những nhân sĩ Huế một thời máu lửa. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ Thái Văn Toản, nguyên Thượng thư Bộ Lại thời Pháp thuộc đã tham gia Ban chỉ đạo Mặt trận Liên Liên khu IV. Cụ Ưng Uý, Pham Doãn Điền rời thành phố lên chiến khu và khi Mặt trận tạo điều kiện để trở lại Huế, các cụ vẫn giữ được nhiệt tình yêu nước. Gia đình bác sĩ Thân Trọng Phước phấn đấu để cả vợ lẫn chồng đều trở thành đảng viên của chính quyền cách mạng sau ngày khởi nghĩa tháng tám, ở lại giữa thành phố Huế, tham gia nuôi dấu cán bộ, gửi lên chiến khu thuốc men và dụng cụ y tế. Nhiều người thuộc các dòng họ có tên tuổi, như Nguyễn Khoa, Thân Trọng, Hồ Đắc…đã tham gia kháng chiến tích cực. Hay cùng với bà Nguyễn Đình Chi trong Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Huế là rất nhiều nhân sĩ yêu nước Huế mà tiêu biểu như cụ Nguyễn Hữu Đính. Công lao của họ được lịch sử nhìn nhận và đánh giá cao trong sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
 
Đặc thù của một vùng đất từng là kinh đô cũ của chế độ phong kiến, là trung tâm văn hoá hàng đầu của quốc gia, Huế là nơi tập trung và sản sinh một lực lượng nhân sĩ, trí thức đông đảo. Nhân ngày 18/11, thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, nhớ về nhân sĩ Huế tham gia hoạt động cách mạng cũng là cách “ôn cố tri tân”. Kẻ sĩ Phú Xuân hay nhân sĩ, trí thức Huế mà tiêu biểu như bà Nguyễn Đình Chi, niềm tự hào của vùng đất, đã để lại một hình ảnh đẹp trong sự nghiệp cứu nước trước đây cũng như kiến quốc hôm nay. 
 
Đan Duy